Nằm ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới dài 240 km với Campuchia, có nhiều đường tiểu ngạch nên tình hình tội phạm buôn bán người qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Hiện các ngành tại tỉnh này vẫn đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn loại tội phạm này. Và trong những nỗ lực đó, thật đáng trân trọng khi chính những chị em từng là nạn nhân của buôn bán người đã là người tiên phòng tham gia ngăn chặn vấn nạn này.
“Bây giờ em ngồi em nói chuyện thoải mái rồi vì thời gian trôi qua rồi nhưng mà cứ nhắc lại là cảm giác như ngày hôm qua, không bao giờ quên được, nó lạc lõng giống như mình trong một cái hộp vậy” - đó là tâm sự của Thiên Kim (tên nhân vật đã được thay đổi) khi nhớ về quãng thời gian rơi vào cái bẫy của bọn buôn người.
Thiên Kim - cầm micro - trong một lần chia sẻ câu chuyện của mình. |
Cứ mỗi khi nhắc lại quãng thời gian tủi hổ và hành trình bỏ trốn, nước mắt của Kim lại trào ra. Vừa học phổ thông xong, Kim đã bị một người bà con lừa bán sang Trung Quốc. Sau khi giải thoát trở về nước, cô lại co mình lại vì sự dèm pha của xóm giềng. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, cô đã tìm được một cuộc sống bình yên, một công việc ổn định.
Đặc biệt, Kim đang là một thành viên tích cực của nhóm Tự Lực, nơi có những người bạn có hòan cảnh như cô đang sinh hoạt với những hoạt động không biết mệt mỏi với lí do đơn giản là “góp một chút sức lực để giúp các chị em khác không bị dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài”.
Trong khi đó, câu chuyện của Thúy (đã đổi tên nhân vật), một thành viên khác của nhóm Tự lực lại khiến cho mọi người không khỏi xót xa, khiếp sợ. Cách đây hơn 5 năm, cô là nạn nhân của 2 mẹ con người bạn thân từ nhỏ lừa sang Trung Quốc ăn đám cưới. Sau đó, cô bị ép bán cho một gia đình nghèo tại một mỏ than cách xa thành thị kèm theo những lời đe dọa “nếu không làm vợ người ta sẽ bị giết”.
Ở đó, người ta canh giữ Thúy, xem cô như một cái máy đẻ khi ép cô phải ngủ với một người đàn ông ngờ nghệch, dị hợm. Trải qua hơn 4 tháng trời ở địa ngục này, không thể sống nổi, Thúy đánh liều bỏ trốn. Cô không nhớ mình đã đi như thế nào, ngoài việc cắm đầu chạy và chạy, chạy đến khi chân tứa máu, liều mình lội qua bao sông, suối nhiều ngày trời đói khát mới về đến Việt Nam.
Nhìn cô “chiến sỹ của nhóm Tự lực” đang tự tin hát múa trên sân khấu, giao tiếp với mọi người, không ai nghĩ, đó từng là một cô gái đã trải qua những biến cố kinh khủng trong quá khứ.
“Tham gia nhóm Tự lực thấy nhiều hoàn cảnh chị em thê lương nhiều mà vẫn đứng ra nói chuyện được sao thấy mình nhát quá nên quyết tâm phải nói để nhiều người phải biết mà không đi vào con đường này, nghe lời tin người quá. Từ đó em mới thấy tự tin trở lại” - Thúy tâm sự.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - tỉnh Tây Ninh là nơi phức tạp về nạn buôn bán người. |
Theo chị Kim Phượng, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Tây Ninh, một trong những người thành lập nhóm Tự lực, việc ra đời các nhóm này là để hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân mua bán người và nâng cao nhận thức người dân đối với tình trạng mua bán người. Từ năm 2011 – 2016, hoạt động này nhận được tài trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và sau đó tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 4 nhóm Tự lực, mỗi nhóm từ 10 đến 20 người ở các huyện Hòa Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên. Đây là nơi tập hợp tự nguyện của các chị em từng là nạn nhân của buôn bán người để chia sẻ với nhau giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chị em cũng được hỗ trợ khám sức khỏe tổng quát, mua bảo hiểm y tế, vay vốn, được dạy nghề…để hòa nhập cộng đồng.
“Mình chỉ lấy danh nghĩa là chị em phụ nữ để gom nhau lại để hàng tháng gặp nhau. Mình không đi sâu vào trong kí ức người ta nhưng mình cứ tâm sự, trao đổi, nhất là về kĩ năng sống để các em tự tin khi đi ra xã hội” - chị Kim Phượng nói.
Dần dà, những con người từng sống khép kín trong lớp vỏ ốc của sự tự ti, mặc cảm đã lấy lại sự tự tin, cởi mở với cuộc đời hơn và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Sự tự tin không chỉ giúp chị em hòa nhập với cuộc sống hiện tại mà còn vươn lên mạnh mẽ, trở thành những tuyên truyền viên tích cực với mong muốn ngăn chặn, không để cho các chị em khác, các em thiếu nữ không đi vào vết xe đổ… - chị Kim Phượng cho biết thêm.
Từ 2007 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã đấu tranh 60 vụ gồm 49 chuyên án và 11 kế hoạch, bắt 359 đối tượng, giải cứu hơn 300 nạn nhân, khởi tố điều tra 49 vụ, 250 bị can. Qua khai thác, các đối tượng khai nhận đã bán trót lọt gần 500 phụ nữ và hiện vẫn còn gần 200 nạn nhân chưa xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Nạn nhân của buôn bán người ở Tây Ninh chủ yếu là các chị em phụ nữ ở độ tuổi 18 – 30 có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dưới lớp 9, tập trung nhiều ở những vùng nông thôn hẻo lánh…
Theo đánh giá của Công an tỉnh Tây Ninh, nạn buôn bán người qua biên giới trên địa bàn vẫn rất phức tạp. Vì thế, ngoài các biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng thì vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội …trong việc tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Mô hình hoạt động của các nhóm Tự lực đã thực sự hiệu quả và cần nhân rộng bởi không chỉ giúp các nạn nhân hòa nhập cộng đồng mà đây còn là tai mắt để cơ quan chức năng sớm phát hiện ra các hành vi phạm pháp của các đối tượng buôn người để kịp thời ngăn chặn./.
20 năm tù giam cho 3 đối tượng buôn bán người
Mỹ: 8 người tử vong nghi liên quan tới hoạt động buôn bán người