Con tàu “lắc nhất trong những con tàu”
“Các đồng chí phóng viên được phân công sang tàu 9001 này thì rất may mắn đấy, vì đây là con tàu lắc nhất trong các con tàu hiện nay của CSB Việt Nam” – Thượng úy Bùi Văn Thắng, Chính trị viên tàu CSB 9001 nói vui với chúng tôi ngay khi đặt chân lên tàu. Khuôn mặt chất phác, làn da rạm nắng cùng nụ cười tủm tỉm của người cán bộ quê Hải Phòng khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy thích thú khi được anh mở lời giới thiệu về con tàu, có cảm giác đầy bí ẩn.
Theo Chính trị viên Bùi Văn Thắng, tàu CSB 9001 được thiết kế theo tiêu chuẩn của Hà Lan để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, với đáy tàu giống như quả dưa hấu nên tàu này đối với sóng gió là “vô cấp”, có thể hoạt động trong môi trường sóng to gió lớn nên độ lắc lư của nó hơn nhiều so với các tàu khác.
“Các anh có thể tưởng tượng như thế này, ví dụ nếu sóng gió thực tế là cấp 3-4 thì độ lắc của tàu là cấp 5-6. Về đi biển trong thời tiết xấu, tàu có thể chịu đựng sóng gió ở cấp cao, vấn đề là con người trên tàu chịu được độ lắc của nó đến cấp nào mà thôi. Chính vì vậy, các đồng chí phóng viên sẽ có dịp được trải nghiệm về độ lắc lư của tàu cùng những cơn say sóng – nỗi sợ hãi của tất cả mọi người đi biển” – anh Thắng cho biết.
Trong dịp được cử ra tác nghiệp tại thực địa khu vực nơi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép hơn 2 tháng qua trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước ta, nhóm phóng viên chúng tôi được phân công ở trên con tàu của lực lượng Cảnh sát biển số hiệu 9001. Chân thành, chu đáo, giản dị và ấm áp là những ấn tượng mà chúng tôi cảm nhận được qua vài ngày cùng ăn, ở, sinh hoạt cùng các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển (CSB) trên con tàu đã hơn 2 tháng qua lăn lộn trên sóng nước biển Đông.
Quả thật, chỉ ngay trong ngày đầu tiên ở trên tàu CSB 9001, cảm giác bao trùm trong đầu mấy anh em chúng tôi là sự khó chịu do tàu chao đảo như con lật đật suốt ngày, đầu óc cứ ong ong, chỉ nằm một chỗ đã thấy mệt chứ đừng nói đến chuyện ăn uống hay đi lại. Điều đó đủ để thấy rằng, những cán bộ, chiến sĩ trên tàu khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết xấu, giông bão thì khó khăn, vất vả như thế nào.
“Trước hôm các anh ra tàu thì mấy ngày trước, chúng tôi cũng đã chịu một ngày tàu lắc dữ dội do thời tiết xấu. Chỉ ngồi một chỗ mà cũng say lừ đừ, nhiều người nôn thốc nôn tháo. Và những lúc như vậy thì chúng tôi không thể ăn cơm được mà chỉ nấu một nồi cháo loãng, lúc đói thì múc một bát húp vội cho đỡ cồn ruột, rồi lúc sau lại nôn ra hết. Có một vài anh em khác khi trực trên cabin tàu thì chỉ có gặm chút lương khô hoặc mỳ tôm lấy sức làm nhiệm vụ. Tuy vậy, tất cả anh em trên tàu đều có thể lực và tinh thần tốt nên cũng quen với những cơn say sóng như vậy, thực hiện tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao trong đợt ra khu vực mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta” – Thượng úy Nguyễn Văn Hà, Thuyền trưởng tàu CSB 9001 nói chuyện trong bữa cơm tối mà chúng tôi, những người tham gia bữa cơm đã phải dùng cả khuỷu tay để giữ những bát thức ăn cứ trôi qua trôi lại trên bàn do tàu lắc lư.
Những chiến công thầm lặng
Sự cảm phục cứ lớn dần lên trong chúng tôi khi được nghe các anh kể về những chuyến đi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển trong điều kiện thời tiết giông bão. Như chuyến đi làm nhiệm vụ vào cuối năm 2012 ở vùng biển gần đảo Phú Quý (Bình Thuận), nhận được tin một tàu của ngư dân Phú Yên bị chết máy trôi dạt trên biển đã 3-4 ngày, con tàu đang làm nhiệm vụ tuần tra lập tức đổi hướng lao vào vùng biển sóng gió cấp 7-8. Mưa như trút nước, gió quất dàn dạt và có những con sóng dữ dội trùm vượt qua cả cabin tàu. Bằng kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên biển cùng các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, cán bộ chiến sĩ tàu CSB 9001 đã trong thời gian ngắn tìm được vị trí của tàu bị nạn, cứu được 2 ngư dân chỉ còn thoi thóp sống đưa lên tàu.
Hay như lời kể của Thượng úy Nguyễn Thái Dũng, Thuyền phó, quê Hà Tĩnh về lần làm nhiệm vụ truy bắt một nhóm cướp biển: Cuối năm 2012, trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra và thăm các đảo ở Trường Sa thì tàu CSB 9001 nhận được thông tin có một tàu mang quốc tịch Indonesia bị cướp. Khi đi đến khu vực biển Vũng Tàu thì phát hiện tàu có những đặc điểm tương tự như những thông tin được cung cấp về con tàu bị cướp. Phối hợp cùng với biên đội tàu CSB 4031, tàu CSB 9001 đã áp sát tàu bị cướp biển khống chế, dùng hệ thống liên lạc điện đàm quốc tế để tuyên truyền, yêu cầu bọn cướp tàu phối hợp theo lệnh của lực lượng CSB Việt Nam ra đầu thú.
Tuy nhiên, bọn cướp tàu không hợp tác với lực lượng CSB Việt Nam mà nhổ neo bỏ chạy. Các tàu CSB Việt Nam đã sử dụng súng phun nước để gây áp lực khiến chúng phải dừng tàu lại, bỏ vũ khí, thúc thủ để lực lượng CSB Việt Nam khống chế.
Sau đó, tàu CSB 9001 đã kéo tàu bị cướp về đất liền, giao cho cơ quan chức năng tiếp nhận giải quyết theo pháp luật.
Điều khá lý thú là mặc dù bọn cướp đã sơn phủ một lớp sơn mới nhằm thay đổi diện mạo của con tàu, đánh lạc hướng lực lượng truy bắt nhưng với những phân tích nghiệp vụ khoa học cùng sự trùng hợp về số liệu thông tin do các cơ quan hàng hải quốc tế cung cấp, lực lượng CSB Việt Nam vẫn xác định được chính xác con tàu bị cướp, bắt giữ lũ cướp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đoàn kết là sức mạnh vượt qua hiểm nguy
Trong hơn 2 tháng lăn lộn làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9001 đã dũng cảm, mưu trí, chấp hành nghiêm mệnh lệnh không để cho các tàu của Trung Quốc mượn cớ gây hấn, khiêu khích sử dụng vũ lực. Họ cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần tàu CSB 9001 nằm trong vòng vây các loại tàu của Trung Quốc, từ hải giám, hải cảnh, tuần tiễu đến tàu tên lửa tấn công nhanh… liên tiếp uy hiếp, gây hấn bằng vòi rồng, rú còi, tìm cách đâm va hay ép sát mạn tàu. Thâm độc hơn, tàu tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc đã vài lần chiếu tia laze vào tàu CSB 9001 để phá nhiễu thiết bị kỹ thuật, thậm chí có thể gây mù mắt cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên cabin tàu. Hay nguy hiểm hơn, tàu này của Trung Quốc còn mở bạt che súng 14,5 ly, quay súng hướng về phía tàu CSB 9001 để uy hiếp, trắng trợn thách thức. Đối mặt với những hành động này của tàu Trung Quốc, các cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9001 vẫn luôn giữ vững tinh thần trên từng vị trí tác nghiệp, bình tĩnh, tự tin.
“Khi vượt qua những giây phút khó khăn như vậy, chúng tôi ngẫm lại và thấy rằng chính sự đoàn kết một lòng, tin tưởng nhau tuyệt đối là sức mạnh giúp chúng tôi ngày càng vững vàng hơn. Cùng với đó, tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao độ luôn được anh em cán bộ, chiến sĩ duy trì, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu trên biển. Chính vì vậy, khi giàn khoan Hải Dương 981 có dấu hiệu dịch chuyển và rút lui vào lúc 21h03 tối 16/7, tàu CSB 9001 là một trong những tàu đầu tiên của ta phát hiện ra tình huống này, ngay lập tức báo cáo diễn biến mới nhất với cấp trên để phối hợp xử lý cho những tình huống tiếp theo. Giàn khoan của Trung Quốc sau hơn 2 tháng hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta cuối cùng cũng đã phải rút lui trước quyết tâm đấu tranh bền bỉ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng và tự hào trước thời khắc đó” – Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hà tâm sự.
Trên con tàu này, những cá nhân hợp lại thành một tập thể đoàn kết, vững trãi trước những hiểm nguy, vì đó là nhiệm vụ của những người chiến sĩ CSB. Có không ít những tấm gương vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mặc dù cuộc sống gia đình còn bộn bề những lo toan hay bố mẹ của họ mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần sự chăm sóc, giúp đỡ mà người chiến sĩ CSB chỉ có thể giấu chặt trong lòng do làm nhiệm vụ nơi biển xa. Đó là những cán bộ, chiến sĩ như: Đại úy Tạ Văn Hội (thuyền phó), Thượng úy Nguyễn Thái Dũng (thuyền phó), Trung úy Nguyễn Trọng Thịnh (thủy thủ boong), Thiếu úy Nguyễn Anh Nghĩa (thủy thủ boong)…
Hay như những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở khoang máy – nơi được mệnh danh là “trái tim của con tàu”, nơi nằm ở khoang dưới cùng, nóng bức, ngột ngạt đầy dầu mỡ, khói bụi độc hại. Họ thầm lặng góp chung vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con tàu, như tâm sự của Thượng úy Nguyễn Văn Bắc, máy trưởng tàu CSB 9001: “Nhiệm vụ lần này phức tạp và có độ khó cao hơn nhiều so với những lần thực hiện nhiệm vụ trước đó, vì tàu của ta liên tục phải tránh sự khiêu khích, đâm va của tàu Trung Quốc nên hệ thống máy của tàu phải hoạt động hết công suất do liên tục thay đổi vận tốc, hướng di chuyển. Anh em chúng tôi cũng đã xác định rõ điều này khi nhận nhiệm vụ và đã có sự chuẩn bị, phối hợp hiệp đồng với nhau để thực hiện tốt theo khẩu lệnh của chỉ huy tàu. Đây cũng là một chuyến đi mang lại nhiều trải nghiệm cho chúng tôi”.
Khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc rút khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các tàu CSB và kiểm ngư của ta cũng được thông báo quay về đất liền. Những con tàu tiếp nối nhau cập cảng về với đất mẹ thân yêu trong sự chào đón của đồng đội. Những cái bắt tay, cái ôm chặt tình đồng chí, đồng nghiệp.
Và thật bất ngờ trùng hợp, nhóm phóng viên chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng cảm động: Thuyền phó Tạ Văn Hội của tàu CSB 9001 lao đến ôm chặt người em trai của mình – kiểm ngư viên Tạ Văn Hứa, công tác trên tàu kiểm ngư số hiệu 808 cũng vừa cập đất liền sau nhiều ngày đấu tranh trên biển. Hai anh em họ đều làm nhiệm vụ nơi hiểm nguy rình rập ngày đêm, cũng chỉ biết tin như vậy chứ cũng không liên lạc được với nhau. Người em Tạ Văn Hứa sau giây phút cảm động đã lấy điện thoại gọi về gia đình mình và gia đình anh trai để báo tin vui. Họ cũng hy vọng sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ xin nghỉ phép về thăm gia đình và người cha đang nằm dưỡng bệnh ở quê nhà.
Với các cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9001 thì bên cạnh sự can đảm, mạnh mẽ khi thực hiện nhiệm vụ, họ là những con người giản dị, chân thành, mộc mạc và không thiếu sự hài hước, vui nhộn trong sinh hoạt. Nắng gió biển khơi nhuộm họ đen sạm, râu ria lởm chởm nên người nào nhìn cũng già dặn hơn nhiều so với lứa tuổi 30. Đối với họ, “tàu là nhà, biển đảo là quê hương” và sức mạnh đoàn kết giúp họ thêm vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc./.