Hiện nay, tại các bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải trầm trọng bệnh nhân sốt xuất huyết. Nhiều người bệnh nhập viện muộn, bị biến chứng xuất huyết não hoặc rối loạn chảy máu không thể cầm được. Nhìn bệnh nhân sắp chết, các y, bác sỹ không còn cách nào để cứu. Vì sao dịch bệnh sốt xuất huyết “vỡ trận” như hiện nay?

s1_vov_awdj.jpg
Bệnh nhân Bùi Thị Quyên điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW.

Điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương hơn nửa tháng nay vì bị sốt xuất huyết, biến chứng viêm cơ tim nặng, giờ đây, chị  Bùi Thị Quyên ở Giao Thủy, Nam Định gần như đã cạn kiệt sức lực. Chị cho biết, mới từ quê lên Hà Nội làm phu hồ tại một công trình xây dựng ở quận Cầu Giấy. Ở tạm ngay tại công trường nhiều rác, nước đọng và nhiều muỗi, chị Quyên đã bị mắc sốt xuất huyết và nhập viện ngày 8/7 vừa qua.

 “Ở chỗ tôi ở rất ô nhiễm và rất nhiều muỗi. Lúc chưa vào màn ngủ đã bị muỗi đốt rồi. Tôi không nghĩ muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết lại nặng như thế này. Tôi khiếp sợ lắm rồi, không dám ở đó nữa”, chị Quyên cho biết.

Một sinh viên trọ tại quận Đống Đa bị bệnh sốt xuất huyết.

Những ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tăng lên tới gần 300 người, mỗi ngày. Quá tải bệnh nhân, nhiều người bệnh phải nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân bị biến chứng xuất huyết não hoặc rối loạn chảy máu không thể cứu được.

 “Thông thường những ca bệnh nặng thường xuất hiện cuối mùa dịch nhưng năm nay, ngay từ đầu mùa dịch đã có những bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng, rất nguy hiểm. Riêng với bệnh nhân sốt xuất huyết đến ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 có thể sẽ giảm sốt nhưng lại gây những biến chứng nặng”, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nói.

Tại Bệnh viện Đống Đa, chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm của Hà Nội cũng quá tải, với gần 200 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú. Bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang tại các khoa Điều trị tích cực, khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm.

 “Em cũng chủ quan cứ nghĩ phun thuốc muỗi rồi thì không ngủ màn nữa. Sau đợt ốm này sẽ rút kinh nghiệm phải ngủ màn”,  bệnh nhân Trần Đức Tuân, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, trọ tại phường Phương Liên, quận Đống Đa cho biết.

Người dân thì chủ quan, còn cơ quan chức năng lơ là, thiếu chủ động đã dẫn đến “vỡ trận” dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh nhân nằm ngoài hành lang tại BV Đống Đa.

Ông Ngô Quang Vinh, người dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: “Ở chỗ tôi sống muỗi nhiều lắm. Bà tổ trưởng tổ dân phố đã thông báo cho bên y tế rồi mà không thấy ai đến phun thuốc diệt muỗi. Nhà tôi năm ngoái con dâu và cháu cũng bị sốt xuất huyết nên năm nay lo lắm. Thỉnh thoảng tôi cũng mua thuốc về phun nhưng muỗi chỉ say thôi, không chết,  2 đến 3 ngày sau phun, lại có muỗi”.

Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai thừa nhận, dịch bệnh xảy ra rầm rộ, cơ quan chức năng của quận và các phường mới vào cuộc mạnh. Ông Thái cho rằng: “Có thể do thời tiết bất thường. Ở quận thì lại nhiều ao hồ, công trình xây dựng. Bây giờ các phường muốn chủ động phòng chống dịch bệnh thì cũng có người đâu, công chức phường thì chỉ có vài người….”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai đầy đủ các biện pháp nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết ngày càng tăng nhanh. Ông Hạnh cho rằng không nên đổ lỗi do thời tiết, môi trường mà cần nhìn nhận trách nhiệm từ các cấp chính quyền.

Còn ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Hà Nội cho biết: “Hiện nay, muỗi đã kháng với một số loại hóa chất. Ví dụ hóa chất tesmaterin. Trong nội thành Hà Nội hiện nay độ nhạy cảm của muỗi với hóa chất này rất thấp. Vì vậy Hà Nội chuyển sang loại hóa chất mới, thuộc nhóm đentamesilin, hiệu lực diệt muỗi trên 95% ”.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm nay điều trị  hơn 4.300 ca sốt xuất huyết. Đến tháng 7 này, số bệnh nhân tăng lên tới gần 1.000 ca, gấp đôi so với trước đó. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận ít nhất 14 ca tử vong do sốt xuất huyết.

 “Không phải 100% bệnh nhân sốt xuất huyết đến ngay được các cơ sở y tế chuyên khoa. Bệnh sốt xuất huyết lúc đầu chỉ có biểu hiện sốt, rất dễ nhầm với bệnh cảm cúm và các bệnh khác. Bệnh chuyển biến từ dạng nhẹ đến dạng nặng rất nhanh, có thể gây sốc. Không phải cơ sở y tế nào cũng chẩn đoán đúng sốt xuất huyết ngay từ đầu. Vì vậy, chúng tôi đã khuyến cáo tất cả những người dân bị sốt, có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế. Các bác sỹ cũng phải nhạy cảm về dịch tễ, trong thời điểm này bệnh nhân bị sốt cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết ”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu phân tích.

Để không còn “vỡ trận” dịch bệnh sốt xuất huyết và không còn cảnh thầy thuốc phải bất lực trước những bệnh nhân giảm tiểu cầu nghiêm trọng hoặc xuất huyết não, cần sự vào cuộc phòng chống dịch bệnh của cả cơ quan chức năng và người dân. Mới đây, lần đầu tiên một cơ sở sửa chữa ô tô ở Hà Nội đã bị phạt 2 triệu đồng vì tạo ra nhiều ổ bọ gậy trong lốp ô tô cũ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân bất hợp tác với nhân viên y tế dự phòng cũng đã bị xử phạt.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cán bộ và cơ quan chức năng nào bị xử lý khi để xảy ra “vỡ trận” dịch bệnh sốt xuất huyết, trong khi ai cũng biết, không có bọ gậy, không có muỗi sẽ không có dịch bệnh sốt xuất huyết./.