Việt Nam hiện có khá đầy đủ các quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em, như Luật Trẻ em và các nghị định liên quan… Việt Nam cũng có hàng chục cơ quan liên quan tới công tác trẻ em, nhưng những giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại vẫn còn những bất cập. 

bao_hanh_bmjy.jpg
Nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn kịp thời.

Năm 2018, hàng trăm vụ xâm hại trẻ em đã được báo chí và xã hội phát hiện. Trong đó, một số vụ xâm hại trẻ em còn để kéo dài, chậm được xử nghiêm. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam có 2.000 vụ bạo lực trẻ em xảy ra. Thậm chí thực tế con số này có thể còn cao hơn nữa vì chưa được báo cáo đầy đủ. Riêng về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, có khoảng 20% các vụ có nguyên nhân từ người thân gây ra.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Qua thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì chúng tôi thấy rằng số lượng trẻ em mà bị xâm hại bởi người thân trong gia đình khoảng 6,2%. Còn lại đa số các trường hợp, khoảng 50 đến 60% là những trường hợp quen biết của trẻ em. 

Ví dụ là hàng xóm, là giáo viên trong các trường học hoặc là người thân thích khác, họ hàng. Số liệu này cũng trùng với các số liệu mà khảo sát ở cấp độ khu vực và quốc tế, đa số những trường hợp mà bạo lực và xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục lại bởi những người mà trẻ em quen biết”./.