Trong năm học mới này, Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Pleiku tuyển 850 học sinh cho trên 22 nhóm lớp. Cô Trần Thị Thuỷ, Hiệu trưởng trường Mần non Hoa Hồng cho biết, nhà trường đang thiếu 15 biên chế giáo viên cho năm học mới nên rất băn khoăn và lo lắng.
"Hiện nay nhà trường mới chỉ sắp xếp đủ cho 22 giáo viên đảm bảo đủ cho 1 giáo viên đứng lớp, còn lại là ưu tiên cho học sinh 5 tuổi, còn lại số học sinh nhà trường từ 3 đến 4 tuổi thì hiện nay số giáo viên đang còn thiếu. Chúng tôi cũng đang đề xuất lên phòng giáo dục và UBND thành phố là sau khai giảng phải đảm bảo được giáo viên để tiến hành thực hiện việc chăm sóc nuôi dạy và giáo dục trẻ”- cô Trần Thị Thủy cho biết.
Ông Phạm Văn Đại - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cho biết: Toàn huyện có 46 đơn vị trường học với trên 1.200 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Thời điểm hiện tại, huyện Ia Grai còn thiếu xấp xỉ gần 300 giáo viên, nhân viên. Thực hiện theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, năm học 2022-2023 sẽ là năm đầu tiên môn học Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 ở bậc tiểu học, thay vì tự chọn như trước đây. Thực tế này khiến huyện vốn đang thiếu nhiều giáo viên lại tiếp tục gặp khó khăn khi chưa đáp ứng đủ số lượng giáo viên phụ trách giảng dạy cho 2 bộ môn này.
"Hiện nay khó khăn của ngành giáo dục huyện Ia Grai là thực hiện chương trình sách giáo khoa mới với bộ môn anh văn lớp 2 và tin học lớp 3 hiện nay rất thiếu. Với tổng số giáo viên anh văn còn thiếu tối thiểu trên một đơn vị trường học là còn 5 trường chưa có giáo viên anh văn và 8 trường chưa có giáo viên Tin học nên rất khó khăn”- ông Phạm Văn Đại cho biết.
Cũng trong năm học này, thành phố Pleiku thiếu hơn 600 biên chế giáo viên ở các bậc học. Ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku cho biết, để đảm bảo chất lượng dạy và học, ngành giáo dục-đào tạo tập trung chú trọng đến khâu sắp xếp, ổn định lại đội ngũ giáo viên tại các trường học. Đồng thời, trên cơ sở biên chế được giao, chủ động hợp đồng giáo viên, nhân viên còn thiếu.
"Phòng đã tiến hành làm việc với các trường để rà soát lại trường lớp và bố trí giáo viên ở các nhà trường. Trước tình trạng thiếu giáo viên số lượng đông như thế thì đã trao đổi với các nhà trường sắp xếp lại trường lớp, dồn ghép trường lớp một cách tối đa để tiết kiệm biên chế được giao trong khả năng. Phòng cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét trên tinh thần các quy định của ngành, của nhà nước để bố trí đủ số lượng giáo viên cung như là nhân viên cho các nhà trường để triển khai việc dạy học”- ông Nguyễn Đình Thức cho biết.
Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với các địa phương để tính toán, tham mưu UBND tỉnh quyết định việc phân bổ gắn với sắp xếp, tổ chức lại trường lớp, dồn dịch các điểm trường, tăng sĩ số học sinh/lớp đến mức tối đa theo điều lệ các bậc học. Sau khi hoàn thành các nội dung mới tính toán lại việc thiếu, đủ giáo viên ở các địa phương để tiến hành phân bổ 1.244 chỉ tiêu mà Trung ương giao.
"Đối với các lớp ở bậc tiểu học phải 35 học sinh/lớp, còn đối với các lớp ở bậc trung học cơ sở là phải 45 học sinh/lớp. Các huyện thực hiện việc sát nhập các điểm trường cũng như việc bảo đảm sĩ số học sinh trên lớp như thế sẽ tiết kiệm một lượng giáo viên rất lớn. Khi được bổ sung một lương biên chế giáo viên, cộng thêm việc sát nhập các điểm trường cũng như bố trí sĩ số học sinh trên lớp thì cơ hội giáo dục ở tỉnh Gia Lai sẽ có đủ giáo viên đứng lớp, chắc chắn chất lượng giáo dục của tỉnh sẽ được tốt hơn”- ông Lê Duy Định cho biết./.