"Ở trọ phố phường", là tập truyện ngắn mới ra mắt của Anh Thư (NXB Văn học ấn hành) về những con người đang nương tựa cả thể xác và tâm hồn mình nơi phố thị xô bồ. Hai mươi truyện ngắn lần này tiếp tục cách kể chuyện nhẹ nhàng mà day dứt của chị.
Từ cái tên “Ở trọ phố phường” đã gợi lên một hoàn cảnh bấp bênh và mơ hồ của các nhân vật trong truyện: những con người gốc gác không phải thành thị, luôn có tâm thế bị chia lìa với gốc rễ; hoặc một dạng tâm thức khác: không hòa hợp, không coi “phố phường” là bến đậu bình yên cuối cùng của mình.
Đây là điểm chung của hầu hết nhân vật xuất hiện trong tập truyện ngắn của Anh Thư. Họ thuộc rất nhiều lớp người trong xã hội, nhưng đa phần là những người trẻ đang học cách vượt qua những cơn “cảm lạnh” của tâm hồn trong cả chuyện gia đình, công việc, tình bạn, tình yêu,…để có thể sống mạnh mẽ hơn và thích nghi với thành phố rộng lớn này.
Mỗi câu chuyện tác giả kể ra như là một lát cắt nhỏ trong cuộc sống, và không có một lát cắt nào giống nhau. Ta có thể bắt gặp một cô gái cố tỏ ra mình không hề lạc loài khi sống giữa thành phố kiêu kì; một anh con trai trưởng phải vững vàng hơn trước rạn nứt của cha mẹ và của chính mình. Thậm chí, một trong số họ từng tự tước đi cuộc sống của mình bởi không thể chịu đựng những nhiễu loạn của cuộc đời.
“Là chị tự đẩy chị vào. Là chị tự tử đấy, nhưng không chết. Đoàn tàu nghiến nát đôi chân chị mà không cho chị chết.” (Bóng hoa).
Họ, qua lời kể của tác giả, loay hoay trong cơn bão lòng của tuổi trẻ và vụng về trước va vấp cuộc đời. Có cả những tủi hờn, nỗi niềm ẩn náu đi cùng họ qua thời gian.
“...Ông bắt mẹ tôi một mình mang vác, một mình chửa đẻ, chăm con, chăm mẹ cho ông, để ông rảnh rang tìm đường lên thành phố...ông ruồng bỏ mẹ con tôi...Thật kinh tởm những năm tháng ấy...Tôi đã phải nuốt hận, rời bỏ quê hương với hai bàn tay trắng, sống chui lủi và làm đủ mọi việc ở nơi xứ người...” (Ruồng bỏ).
Liệu sau những va vấp, lựa chọn của họ là buông xuôi hay bước tiếp, đó là phần còn bỏ ngỏ. Từ việc để lại sự dang dở cho những câu chuyện, có lẽ Anh Thư mong muốn rằng mỗi độc giả sẽ có cho mình một cách đọc, cách cảm, cách hiểu, cách ngẫm riêng.
Lựa chọn những góc nhìn nhân văn từ phía trong mỗi nhân vật, để cho thấy những rung động tinh tế nhất trong tâm hồn từ những thân phận bé nhỏ, Anh Thư lại cũng sử dụng lối kể phóng khoáng, không tuân thủ trình tự nào nhất định, linh hoạt xoay chuyển giữa ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba, có lúc còn là lối kể chuyện lồng trong chuyện. Vì lẽ đó, người đọc bị cuốn hút, thấy như chính mình đang sống trong mạch cảm xúc mà tác giả tạo ra thông qua những câu chữ ấy.
Cách Anh Thư tạo nên một bầu cảm xúc đượm buồn bao trùm toàn bộ những trang sách cũng là một điểm đáng chú ý của Ở trọ phố phường. Nỗi buồn ấy không vỡ oà thành tiếng, mà lặng thầm, khắc khoải, len lỏi vào tâm trí người đọc qua cách miêu tả đặc sắc biểu cảm, suy nghĩ nội tâm của con người và cả quang cảnh, sự vật xung quanh.
“Ngập ngừng, kìm nén, đứt quãng, rồi bà Miên oà khóc như một đứa trẻ. Hai hàng nước mắt chảy dài theo dấu nếp nhăn trên gương mặt. Giọt này rơi xuống, giọt kia lại nối theo”. (Những mảnh vỡ).
Nhẹ nhàng, gần gũi đủ cho một cuốn sách bầu bạn vào cuối tuần, và cũng đủ ngổn ngang, sâu sắc để ở lại trong tâm tư người đón nhận nó. Đọc “Ở trọ phố phường” của Anh Thư, người ta thấy mình lắng lại trong những bộn bề không tên của thị thành, về những dáng hình muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Một cuộc sống mà những con người nhỏ bé luôn có cảm giác mình đang ở trọ, một nơi đã quen mà vẫn mãi mãi xa lạ./.
Nhà văn Anh Thư được bạn đọc biết tới với 4 tác phẩm: “Thư không gửi cho ba” (tập truyện ngắn, 2012), “Café và quán vắng” (tản văn, 2013), “Giấc mơ trung thu” (tản văn, 2017) và mới nhất “Ở trọ phố phường” (tập truyện ngắn, 2022).