Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới, nhưng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn đứng trước nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên. Đặc biệt là đội ngũ giảng dạy các môn Tiếng Anh và Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 3 của trường. Thầy giáo Lò Văn Vương, Hiệu trưởng trường Lản Nhì Thàng, cho biết: "Khối lớp 3 năm nay có thêm môn học bắt buộc là Ngoại ngữ và Tin học. Hiện nay, nhà trường đang thiếu giáo viên dạy 2 môn này. Trước mắt, chúng tôi bố trí các phương tiện và kết nối với các trường trong huyện để tổ chức dạy học trực tuyến; cử giáo viên tham gia bồi dưỡng... Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên triển khai, nên trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng của nhà trường và mỗi giáo viên".

Tại vùng cực Tây của Tổ quốc, ngành giáo dục huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cũng gặp khó vì thiếu hơn 280 giáo viên đứng lớp. Hiện huyện đang làm quy trình để tuyển dụng 74 chỉ tiêu; nhưng nếu tuyển được thì toàn huyện vẫn còn thiếu hơn 200 giáo viên nữa, nhất là ở môn Tin học và Ngoại ngữ.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: "Để đảm bảo giảng dạy trong thời gian tới, phòng đã xây dựng phương án trình UBND huyện cho phép sử dụng luân phiên số giáo viên hiện có; thực hiện dạy tăng cường, biệt phái, hỗ trợ cho các trường còn thiếu. Cơ bản năm học mới chúng tôi đảm bảo giáo viên đứng lớp; đảm bảo ít nhất mỗi trường có 1 giáo viên Tin học, còn Tiếng Anh sẽ bố trí dạy luân phiên. Về lâu dài, rất mong các cấp quan tâm, bổ sung biên chế cho huyện, để đảm bảo công tác phổ cập mẫu giáo, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở…".

Theo thống kê, 5 tỉnh Tây Bắc bao gồm Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Lào Cai hiện trung bình mỗi tỉnh còn thiếu khoảng 1.000 giáo viên ở tất cả các cấp học. Trong đó, phần lớn là thiếu giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Tin học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới. Đơn cử như Sơn La thiếu hơn 300 giáo viên, Lai Châu gần 170 giáo viên, Điện Biên 150 giáo viên ở 2 bộ môn này...

Trong báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, tỉ lệ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng. Đây là câu chuyện không mới và không chỉ của riêng các tỉnh Tây Bắc; tuy nhiên để có lời giải cho bài toán này lại không hề đơn giản.

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều phương án để khắc phục tình trạng này. Trước mắt đảm bảo 100% học sinh lớp 3 trên địa bàn được học 2 môn Tiếng Anh và Tin học theo chương trình đã đề ra.

"Sở đã họp bàn, thống nhất với các huyện, thành phố phương án tập trung khai thác tối đa đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học hiện có tại các đơn vị trường học trên địa bàn; Bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường thông qua phương án dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến; Đẩy nhanh tiến độ bồi dưỡng giáo viên dạy Tin học theo quyết định của Bộ GD-ĐT"- bà Dân nói.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026; riêng năm học 2022-2023 này, cả nước được bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Thông tin này thực sự như “nắng hạn gặp mưa rào” với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay ở các tỉnh Tây Bắc. Các địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch tuyển dụng bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.  

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: "Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, ngành chỉ đạo các đơn vị rà soát, đề xuất tuyển dụng đủ số lượng theo phân cấp. Đặc biệt, ưu tiên tuyển dụng những môn mới, những môn đặc thù và thiếu nhiều. Trong quá trình tuyển dụng, thực hiện các giải pháp thu hút giáo viên như: thông báo, tuyên truyền, phối hợp với các trường đại học lan tỏa thông tin để nhiều người biết và đến với Lai Châu. Đồng thời, quan tâm đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất tối thiểu cho giáo viên như nhà công vụ, điều kiện làm việc, chế độ chính sách; tạo môi trường làm việc tốt hơn để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến".

Dù còn khó khăn bộn bề, nhưng đến thời điểm này, các trường học ở vùng cao Tây Bắc đã, đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo tiến độ cho một năm học mới theo đúng tinh thần “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”./.