Trưa tháng 7, mặc dù mặt trời đã đứng bóng, nhưng anh Nguyễn Bá Dũng ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vẫn cặm cụi vác từng bao tải đất, cùng mấy cây tre để gia cố thêm chỗ vừa bị sạt lở. Những điểm bị sạt lở ngày 4/7, xuất hiện từng vết nứt kéo dài đến hơn 30m, chạy dọc vườn, đất của 4 hộ dân.
Đất lở tạo thành những hố khoét sâu vào móng nhiều nhà dân. Đặc biệt, khu chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Bá Dũng đã bị cuốn trôi xuống sông. Trong căn nhà đã có 4 đời nối tiếp nhau chứng kiến nhiều lần nước sông Hồng dâng lên và xảy ra sạt lở, lần này lại bị “hà bá hỏi thăm”, đe dọa nuốt chửng toàn bộ đất và nhà ở của gia đình anh bất cứ lúc nào.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh Dũng, anh Nguyễn Đức Phương đã phải di chuyển vợ con về nhà bà ngoại để chủ động “lánh nạn”, tránh tình huống xấu có thể xảy ra. Theo người dân địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, nhưng chủ yếu là do nạn khai thác cát bừa bãi trên sông.
Bà Đinh Thị Quý, người dân phường Ngọc Thuỵ cho biết: “Hiện có nhiều tàu chở cát hút cát dưới sông suốt ngày đêm. Thấy bóng công an thì họ chạy, còn khi đi công an khỏi thì họ lại quay lại tiếp tục hút cát”.
Trao đổi với phóng viên VOV sáng 18/7, ông Đặng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, hàng năm khu vực này thường xảy ra sạt lở nhưng nhiều nhất là khu vực tổ 8 (có gần 50 hộ dân). Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế, cộng thêm thói quen sinh sống qua nhiều thế hệ nên công tác di dời gặp không ít khó khăn.
Ông Đặng Việt Phương cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị với thành phố và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai việc kè 5km còn lại ở sông Hồng, sông Đuống. Giải pháp trước mắt là thống kê toàn bộ 50 hộ dân sống vùng nguy cơ cao để lập danh sách di dời. Trong trường hợp khẩn cấp thì di dời các hộ đến các hội trường tổ dân phố. Về giải pháp lâu dài, quận Long Biên cũng bố trí quỹ đất ở phường Thạch Bàn cho các hộ dân”.
Theo người dân, tình trạng sạt lở bờ sông đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa khắc phục được. Mong muốn nhất của bà con là được các cấp ban ngành quan tâm sớm xây dựng kè 2 bên bờ sông để người dân ổn định cuộc sống./.