Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết Rút ruột, chia phần hàng trăm ha rừng thông Lộc Phú?, hàng trăm ha rừng thông ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã bị xẻ thịt, chia phần, trở thành các vườn cây công nghiệp, cây ăn quả của cá nhân. Đây không phải là cá biệt mà tình trạng xâm hại rừng đã xảy ra phổ biến trên nhiều địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian dài. Những dấu hiệu rõ ràng cho thấy có sự buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho lâm tặc khiến nạn phá rừng, chiếm đất diễn biến phức tạp.
Hiện trường của vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 144B, phường 8, TP Đà Lạt, cách Quốc lộ 27C tuyến Đà Lạt - Nha Trang chừng 3km. Tại đây, ngoài diện tích khoảng 2ha bị cưa hạ theo kiểu tận diệt sạch sẽ mọi cây thông thành đất trống, các đối tượng còn chặt hạ theo từng khóm thông nhỏ rải rác trên phạm vi rộng. Điều đáng nói, các vị trí cây rừng bị cưa hạ nằm đúng ranh giới lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý, chỉ có những người trong cuộc mới có thể xác định được.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, khu vực này đi lại khó khăn, nên cả chủ rừng và lực lượng chức năng đều chủ quan, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời: "Nhận định ban đầu là khu vực không có nguy cơ cao thì mật độ tuần tra sẽ giảm đi. Chính vì không xác định đó là khu vực trọng điểm nên mới chậm phát hiện. Thành phố đang chỉ đạo cơ quan công an và các ngành tập trung điều tra, phải tìm cho được thủ phạm vụ phá rừng này để xử lý nghiêm”.
Chậm điều tra, điều tra nhưng không ra đối tượng, đó là một trong những nguyên nhân khiến nạn phá rừng chiếm đất ở Lâm Đồng diễn ra dai dẳng và lan rộng. Rừng tại tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, cửa ngõ đi vào TP Đà Lạt, không những bị chặt hạ mà còn bị cày xới, san ủi, cải tạo thành những thửa đất đẹp. Tại khu vực này cơ quan chức năng xác định đã có hơn 70ha rừng bị tàn phá.
Địa bàn rộng, lực lượng mỏng, đó là khó khăn chung trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương. Nhưng việc lâm tặc đưa cả máy móc vào san ủi rừng thì không thể nói các cơ quan chức năng không biết. Dẫu vậy, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh khẳng định, hầu hết những vụ vi phạm đều được xử lý nghiêm theo đúng quy định.
“Để xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất có nhiều nguyên nhân. Do địa bàn rộng nên khi nghe thông tin và lực lượng quản lý bảo vệ rừng đến nơi thì vụ việc đã xảy ra ở mức độ hơi lớn rồi. Còn về chuyện bao che, cấu kết thì tôi cam đoan là không có chuyện này” ông Nguyễn Văn Nhẫn cho hay.
Có hay không việc dung túng, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng ở Lâm Đồng? Không khó để dư luận đặt câu hỏi khi các điểm nóng về phá rừng, chiếm đất ở tỉnh này ngày càng phức tạp. Trở lại câu chuyện hơn 200 ha rừng thông tại tiểu khu 438A và 439, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, biến thành nương rẫy, ông Lê Văn Ba, người bị đánh trọng thương vì phản ánh phá rừng, chỉ rõ: “Tiếp tay cho phá rừng là có hệ thống, cán bộ tiếp tay rất tinh vi, khiến cơ quan chức năng điều tra đau đầu, mà cũng không muốn làm rõ. Quyết định giải tỏa nhà ông Thống ghi rõ ràng do UBND huyện ký: “giải tỏa nhà ông Giáp Văn Thống trên đất nông nghiêp”, đó là đất rừng chứ đất nông nghiệp ở đâu ra? Việc làm này nhằm kéo dài thời gian để lợi dụng kẽ hở của Nhà nước rồi điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch rừng thành đất nông nghiệp. Còn trường hợp ông Phạm Tấn Hùng là cắt trắng 10ha rừng tự nhiên để trồng bơ, mít, sầu riêng và làm một căn nhà 500m2 mà không có ban, ngành nào ý kiến để đưa vào kế hoạch giải tỏa. Sau này không giải tỏa được những diện tích đất đấy thì ai chịu trách nhiệm đây?”
Thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã xử lý kỷ luật 5 tập thể và 22 cá nhân do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là các cán bộ để điều tra về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện 153 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thiệt hại 28ha rừng, giảm 60% số vụ nhưng diện tích rừng bị phá tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận, nạn phá rừng, chiếm đất diễn biến rất phức tạp là do có sự tiếp tay, bao che của cán bộ địa phương: “Vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian vừa qua là phức tạp, tinh vi và có dấu hiệu của tội phạm. Rừng cứ bị xâm hại thì tôi cho rằng chắc chắn có sự tiếp tay. Nếu không có tiếp tay, không có vạch đường chỉ lối thì không ai dám. Nhiều dự án của các nhà đầu tư trên địa bàn bị lấn chiếm rất nghiêm trọng. Bản chất chung của các đối tượng này không phải lấy gỗ mà chiếm đất, vì giá trị của đất càng ngày càng cao. Quản lý bảo vệ rừng của các cấp, các ngành từ trước đến nay có nhiều sơ hở, thậm chí có giai đoạn là buông lỏng thì bây giờ phải chấn chỉnh và sắp xếp lại; giao trách nhiệm cho công an là thành lập chuyên án để điều tra, xử lý”.
Trên cương vị quản lý, người chịu trách nhiệm cao nhất ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chắc chắn có sự tiếp tay, vạch đường chỉ lối cho việc phá rừng, chiếm đất. Từ thực tế cơ sở, người dân cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy sự tiếp tay của lực lượng chức năng khiến vấn nạn này ngày càng nhức nhối. “Quan trên ngó xuống, người ta trông vào”, từ dưới nhìn lên, từ trên trông xuống đều thấy rằng, nếu không có sự buông lỏng, làm ngơ của các ngành chức năng ở Lâm Đồng, lâm tặc khó có thể lộng hành, thách thức pháp luật. Nhận diện được vấn đề nội tại, nhưng làm sao giải được bài toán ấy cần sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Việc phá rừng chiếm đất xảy ra khắp các địa phương và kéo dài như thời gian qua khiến dư luận không khỏi nghi ngờ tình trạng “trên nóng dưới lạnh” ở Lâm Đồng./.