Hơn 20 ngày sau khi bị nhóm phá rừng tấn công, ông Lê Văn Ba, ở thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, vẫn cắn răng chịu đau, đeo cánh tay gãy dẫn chúng tôi tiếp cận những khoảnh rừng thông tại các tiểu khu 438A, 439. Phía sau vỏ bọc bên ngoài rừng thông là những vườn cà phê, bơ, sầu riêng và nhiều cây ăn quả khác. Một số đã được rào chắn cẩn thận để phân chia ranh giới, dựng nhà ở. Ông Lê Văn Ba cho biết, những nơi này trước đây đều là rừng thông xanh tốt, giờ đã biến thành đất vườn của cá nhân, có trường hợp mua đi bán lại qua tay nhiều người.
Theo Quyết định số 4124 năm 2013 của UBND huyện Bảo Lâm, hơn 231 ha rừng tiểu khu 438A và 439 thuộc địa bàn xã Lộc Phú được giao cho 9 hộ ở thôn 4 quản lý, bảo vệ, do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Trong đó, hầu hết là rừng tự nhiên buộc phải bảo vệ, diện tích đất được phép sản xuất nông lâm kết hợp là 5,85ha. Quyết định là giao rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ, nhưng số diện tích này bị biến thành tài sản riêng của một vài người; rừng bị cưa hạ, đất bị chiếm và sang nhượng trái phép.
Ông Lê Văn Ba bức xúc, nhiều năm qua ông đã liên tục tố cáo các sai phạm, nhưng vụ việc không được xử lý dứt điểm. Ngày 8/7 vừa qua, thấy có người cưa hạ thông, ông điện báo cơ quan chức năng và dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm. Trong lúc cơ quan chức năng chưa đến, ông bị nhóm người phá rừng bao vây, đánh gãy tay, nứt xương bả vai và chấn thương vùng đầu.
“Chỉ được trồng cà phê xen muồng 5,8ha mà hiện tại trên diện tích 231ha rừng này gần hết rồi, đã trồng hơn 200ha cà phê với bơ rồi. Tôi yêu cầu giải tỏa toàn bộ diện tích này và làm rõ số lượng rừng bị mất, phải vài chục ngàn khối gỗ. khối lượng lâm sản thì các ban, ngành chuyên môn đã có kiểm kê từ lúc giao cho ông Nguyễn Đức Dạo. Vì giao rừng mà để mất tới 200ha rừng”, ông Ba nói.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 48 cá nhân đang trồng cà phê và cây ăn trái trong khu vực này với tổng diện tích gần 79ha. Trước tình trạng rừng cộng đồng bị tàn phá, chia chác, cuối năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích hơn 231ha này giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm B’ri quản lý. Nhưng từ đó đến nay, nạn phá rừng, chiếm đất ở đây diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo anh Phạm Hồng Đăng, Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm B’ri, các đối tượng phá rừng, chiếm đất rất manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng bảo vệ rừng: “Địa bàn quản lý của tôi thì rộng, trong khi các đối tượng hoạt động cách thức lấn chiếm, phá rừng rất tinh vi, thường làm ban đêm hoặc các ngày lễ, tết. Với lại các đối tượng phá rừng bây giờ rất manh động, hung hãn. Tôi cũng từng bị đánh một lần vào năm ngoái, lúc đó tôi cùng với đoàn kiểm tra, trong quá trình đi tuần tra thì thấy có một diện tích bị lấn chiếm nên tiến hành giải tỏa nóng. Trong quá trình giải tỏa nóng thì các đối tượng lao vào tấn công”.
Tấn công người thi hành công vụ, vây đánh, hăm dọa những người dân tố giác hành vi phá rừng, chiếm đất không còn là chuyện lạ ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Cái lạ ở đây là các vụ việc đều xử lý rất chậm, sau đó dần rơi vào quên lãng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm B’ri cho rằng, bởi sự xử lý chậm trễ khiến việc thực thi pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây bị hạn chế.
“Ban cũng đã tăng cường tuần tra rừng và nói thật là đã lập nhiều biên bản lấn chiếm, phá rừng, giao cho cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng xử lý còn hơi chậm nên Ban vẫn chưa thể giải tỏa diện tích này. Anh em đi tuần tra còn bị rượt đánh cho nên rất khó cho công tác quản lý bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Trong khi đó, trái ngược với phản ánh của người dân và chủ rừng, ông Nguyễn Văn Du, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm khẳng định sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ phá rừng, chiếm đất ở địa phương là rất tích cực. Ông cho rằng, đơn vị chủ rừng yếu kém và hạn chế về mặt nhân sự là nguyên nhân dẫn đến chậm phát hiện và xử lý các vụ việc.
“Công tác phối hợp khá là chặt chẽ, đặc biệt là cơ quan công an huyện và Hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, địa phương... Tuy nhiên, đôi lúc không phải trong việc phối hợp mà trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng của lực lượng quản lý bảo vệ còn hạn chế. Do địa bàn rộng, biên chế thiếu, ngay cả Hạt kiểm lâm cũng thiếu, phải cử cán bộ kiêm nhiệm. Đó là hạn chế trong công tác để phát hiện sớm, kịp thời trên diện tích mình quản lý”, ông Nguyễn Văn Du cho biết.
Địa bàn rộng, lực lượng mỏng, đó là khó khăn chung trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương. Nhưng đó không thể là lý do biện minh cho việc hàng trăm ha rừng bị biến thành vườn riêng, và lâm tặc công khai đánh người, thách thức pháp luật trong thời gian dài. Sự việc hơn 200ha rừng thông tự nhiên ở Lộc Phú bị rút ruột, chia phần, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong nạn phá rừng chiếm đất ở Lâm Đồng. Cũng tại địa phương này, có những khu vực lâm tặc đưa cả máy móc vào cày xới, san ủi rừng thành những thửa đất vuông vức. Chính lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng trong cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây cũng phải thừa nhận, đã có sự buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo, mời quý vị và các bạn theo dõi./.