24 năm miệt mài làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Luân đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm, trong đó có vaccine Rotavin- M1 có tính ứng dụng cao trong y học, phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em do virus Rota gây ra. Từ đây, Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được vaccine này và đưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Luân lên bục vinh quang, là một trong 2 phụ nữ Việt Nam được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2013 đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay. 

luan.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Luân 
Sinh năm 1962, tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và bác sỹ nội trú ngành vi sinh, năm 1989 chị Lê Thị Luân về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bắt đầu một quá trình miệt mài nghiên cứu vaccine và sinh phẩm. Hiện chị là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế- một đơn vị được tách ra từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chị và đồng nghiệp đã cho ra đời nhiều sản phẩm như chủng sản xuất vaccine phòng tiêu chảy cho trẻ em, các kháng huyết thanh sử dụng kiểm định vaccine. Đặc biệt, thành công lớn nhất của chị là làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học trong 16 năm, kết quả nghiệm thu xuất sắc với tính mới, khoa học và ứng dụng cao trong thực tiễn; đó là công trình nghiên cứu sản xuất vaccine Rotavin-M1 phòng phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây ra cho trẻ em. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Luân cho biết, từ thành công này, Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất được vaccine ngừa tiêu chảy do virus rota.

Vaccine Rotavin- M1 đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) kiểm tra; Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm Việt Nam phê chuẩn và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành giữa năm 2013. Đến nay, đã có 100.000 trẻ em tại 60 tỉnh, thành phố được uống vaccine này tại các cơ sở tiêm vaccine dịch vụ với giá chỉ bằng 1/3 so với vaccine nhập khẩu nhưng chất lượng tương đương vaccine của Bỉ đang lưu hành ở Việt Nam. Trong tương lai gần, vaccine Rotavin- M1 sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng và khi đó, trẻ từ 6 đến 12 tuần tuổi sẽ được uống miễn phí. Điều này sẽ góp phần giảm khoảng 7.000 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi và giảm từ 122.000 đến 140.000 lần trẻ phải nhập viện do mắc tiêu chảy virus Rota. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí phòng và chữa bệnh tiêu chảy trong cả nước khoảng 5,3 triệu USD. Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước KC10 nhận xét:Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của chị Luân trong việc sản xuất vaccine này. Từ công trình nghiên cứu trong hơn 10 năm, qua 3 giai đoạn của Chương trình khoa học công nghệ KC 10, rất công phu, thể hiện sự nỗ lực rất cao của chủ nhiệm đề tài. Đặc biệt sản phẩm đạt chất lượng cao, được Trung tâm kiểm nghiệm CDC Hoa Kỳ kiểm nghiệm đánh giá an toàn, hiệu lực kháng thể cao. Bên cạnh đó giá thành rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với vaccine của Bỉ, có thể đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng và giảm được rất nhiều trẻ bị tiêu chảy”.

Thành công rực rỡ từ việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Rotavin- M1  là động lực để Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Luân tiếp tục nghiên cứu 3 sản phẩm mới trong thời gian tới là vaccine rubella, vaccine tay chân miệng, vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm thay thế cho vaccine bại liệt dạng uống và hướng tới sản xuất vaccine tổng hợp, góp phần thực hiện ước mơ nội địa hóa vaccine của chị cũng như các nhà khoa học Việt Nam. Đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Luân vinh dự là một trong 2 người được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2013. Đây là giải thưởng có ý nghĩa quốc tế nhằm tôn vinh những tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống./.