Mỗi khi thời tiết oi bức, người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại đổ xô đến các bãi tắm tự phát dọc đường biển để “giải nhiệt”. Đã có nhiều tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đã cho đặt hàng loạt biển “cấm tắm biển”, nhưng người dân vẫn bất chấp.

Người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thể nào quên được vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 1 học sinh thiệt mạng vào ngày 21/4 mới đây tại bãi tắm biển tự phát ở phường Hồng Hà. Ngay sau đó, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các bãi tắm tự phát trên địa bàn và cho đặt hàng loạt biển “cấm tắm biển”, thế nhưng người dân vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo này. 

quang_ninh3_vov_wjzu.jpg
Nhiều người vẫn ra các bãi tắm tự phát để tắm

Anh Lê Văn Quyết, ở phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long cho biết:  “Bãi tắm tự phát thường sẽ nguy hiểm đối với người không biết bơi, còn tôi biết bơi thì không lo. Với lại ở đây gần nên tôi hay cho các cháu ra đây. Người Hạ Long thì hay tắm ở đây đông lắm. Bãi tắm này nền bê tông các cháu nó bé vẫn tắm được, với lại bãi bé thì sạch hơn không bị vấy đục lên”.

Trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 5 bãi tắm du lịch được cấp phép hoạt động là các bãi tắm Hạ Long, Tuần Châu, Soi Sim, Ti Tốp, Hạ Long Marina. Tuy nhiên, chỉ có 2 bãi tắm là Hạ Long và Hạ Long Marina ở khu du lịch Bãi Cháy, còn lại đều nằm tại các đảo trên Vịnh Hạ Long. Những bãi tắm được quy hoạch và đạt chuẩn đều là các bãi tắm du lịch, ở khá xa khu dân cư và mất chi phí. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân tìm đến những bãi tắm tự phát để "giải nhiệt" trong mùa hè. 

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi buổi chiều từ khoảng 17h, có hàng trăm người đến tắm tại các bãi tắm tự phát, đông nhất tại khu vực Bảo tàng, Núi Bài Thơ và bến phà Bãi Cháy cũ.

Chị Đặng Thị Hiền, trú tại phường Hòn Gai, TP Hạ Long nói: “Nói chung vệ sinh ở đây có ai dọn đâu, đây là bãi tự phát mà, biết là có đặt biển cấm nhưng ở đây người ta vẫn tắm vì bây giờ là thời tiết nắng nóng, mới lại ai tắm cũng đi mặc áo phao như thế này chắc không lo. Các cháu nghỉ hè cứ tắm cả tuần, tự mình bảo vệ mình là chính. Nhưng mà để mình có một bãi tắm an toàn thì lại phải có dịch vụ. Bây giờ chẳng lẽ mỗi lần đi tắm lại phải tốn tiền nên người dân biết là không an toàn, có biển cấm nhưng vẫn ra sử dụng”.

Mọi người vô tư nhảy từ trên các kè đá xuống nước để tìm cảm giác mạnh dù xung quanh có nhiều phương tiện giao thông đường thuỷ hoạt động nên luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, nhất là đối với trẻ em.

Việc đến tắm tại các bãi tự phát đã bị cấm. Tỉnh Quảng Ninh đã cho đặt hàng loạt biển “cấm tắm biển” để ngăn chặn những tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra. Thế nhưng có nhiều người vẫn không biết hoặc biết là bị cấm mà vẫn cố tình đến tắm, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.

Em Trần Thu Trang cho biết:  “Em tắm ở đây từ lâu rồi, lúc tắm ở Bãi Cháy, lúc tắm trên kia, lúc tắm ở đây. Tắm ở đây thì em cũng hơi sợ nhưng không thích nước trong bể bơi. Nước trong các bể tắm nó khó thở, còn ở đây thì thở thoải mái hơn”.

Để phòng ngừa tai nạn đuối nước tại các bãi tắm tự phát, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, kiểm tra các bãi tắm, bố trí các phao giới hạn khu vực tắm, cắt cử người túc trực cứu hộ tại các bãi tắm, điểm tắm tự phát để phòng tránh đuối nước. Đồng thời Chủ tịch UBND các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, nếu để xảy ra tai nạn tại các bãi tắm tự phát./.