Sáng nay (13/5), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo quốc gia về đầu tư bền vững cho công tác phòng chống sốt rét. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh toàn quốc hiện có 15 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xảy ra tại 5 tỉnh và nguy cơ dịch bệnh này bùng phát trở lại rất cao. Trong khi đó nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước cho công các phòng chống sốt rét đang giảm mạnh.

Từ năm 2010 đến 2013, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho phòng chống sốt rét mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng năm có 11 triệu người trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi, và khoảng 1 triệu liều thuốc sốt rét được cấp miễn phí cho bệnh nhân.

hoi_thao_fjag.jpgToàn cảnh hội thảo

Nếu như  năm 1991, tỷ lệ mắc sốt rét là 155 bệnh nhân/10.000 dân thì đến năm 2014 giảm còn 3 bệnh nhân/10.000 dân. Số bệnh nhân tử vong do sốt rét cũng giảm từ gần 5.000 người xuống còn 6 người.  Tuy nhiên, trung bình hàng năm nước ta vẫn ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó khoảng 110 trường hợp sốt rét ác tính và tử vong.

Dân số vùng sốt rét lưu hành và nguy cơ mắc sốt rét ở nước ta còn cao, chủ yếu là người nghèo, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong khi đó, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho phòng chống sốt rét đang giảm mạnh, từ năm 2014 giảm gần 50%. Nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế ngày càng khó khăn. Hiện nguồn đầu tư nước ngoài cho công tác phòng chống sốt rét chủ yếu là từ Quỹ toàn cầu tài trợ, nhưng tổ chức này yêu cầu Chính phủ đóng góp tối thiểu 40% kinh phí hoạt động.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng ta chưa có vaccine phòng chống bệnh sốt rét, nhưng đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại nhều địa phương và có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác. Trong khi đó, muỗi truyền bệnh sốt rét kháng hóa chất làm giảm hiệu quả và các biện pháp phòng chống sốt rét. Các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài nhận định, nguy cơ các bệnh sốt rét, lao, HIV/AIDS có khả năng quay trở lại nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống và không đầu tư đúng mức cho công tác phòng chống. Chúng tôi cho rằng việc giảm số mắc và số tử vong do sốt rét vừa qua là không bền vững”.

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành thường xuyên ở các nước nhiệt đới do muỗi truyền 5 loại ký sinh trùng sốt rét. Tại nhiều địa phương nước ta vẫn còn tập quán người dân đi làm rừng, làm nương rẫy, rồi ngủ lại qua đêm và thường không sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ khác nên có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bên cạnh đó, việc giao lưu dân cư vùng biên giới với vùng lưu hành bệnh sốt rét tại Lào và Campuchia gia tăng. Nhiều người Việt Nam đi lao động tại các nước châu Phi, nơi có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Chỉ tính riêng tại Angola đã có tới hàng vạn người Việt Nam làm việc, trong đó chủ yếu là người đi lao động tự do với khoảng 35.000 người. Đây là nguồn mang mầm bệnh sốt rét, đặc biệt là sốt rét kháng thuốc vào Việt Nam./.