Từ 13 - 27/11, Bảo tàng quân đội Pháp kết hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Trường quân sự- Bộ Quốc phòng Pháp tiến hành nhiều cuộc hội thảo về Đông Dương và Điện Biên Phủ.

Chuỗi hội thảo với nhiều chủ đề trong các khía cạnh lịch sử quân sự, lịch sử chính trị, lịch sử văn hóa, cho phép công chúng có một cái nhìn đa dạng về lịch sử Đông Dương.

Một số chủ đề như: Sự can thiệp của Pháp tại An nam; Điện Biên Phủ, tác động và ký ức; Rút khỏi Đông Dương 1945-1956; Algeria /Đông Dương: Thực dân và phi thực dân hóa… được các học giả có uy tín của Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Trường quân sự- Bộ Quốc phòng Pháp, Đại học Paris 1- Sorbonne, Đại học Nantes trình bày.

giao-su-hugues-tertrais-tri.jpg
Giáo sư sử học Hugues Tertrais trình bày tại hội thảo

Dù lịch sử đã trôi qua khá lâu, song chính các học giả, chuyên gia lịch sử quân sự Pháp tại các cuộc hội thảo đều có chung quan điểm rằng cuộc chiến Đông Dương, trận đánh Điện Biên Phủ là một giai đoạn quan trọng chưa được đề cập nhiều trong lịch sử Pháp. Do đó, việc đào sâu nghiên cứu lịch sử với thêm nhiều nguồn tư liệu từ các bên vẫn rất quan trọng.

Giáo sư sử học Hugues Tertrais, thuộc trường Đại học Paris 1- Sorbonne khẳng định điều này: “Tôi cho rằng vẫn luôn cần đào sâu nghiên cứu lịch sử, xem xét lại các luận điểm trước đây cho hoàn thiện và đầy đủ hơn. Ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu mà những lúc trước không thể có được. Chúng ta cũng có nhiều điều kiện khác để nhìn nhận lịch sử với cái nhìn thực tế hơn. Chúng ta dĩ nhiên không thể hiểu hết được lịch sử như nó từng diễn ra, nhưng ngày càng biết thêm một cách sâu sắc hơn nhờ các nguồn tư liệu đa dạng”.

Tại hội thảo “Điện Biên Phủ, tác động và ký ức”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Pierre Journoud, chuyên gia hàng đầu về Điện Biên Phủ tại Pháp hiện nay đã trình bày những cái nhìn khá mới và có phần cởi mở từ phía Pháp nhìn lại trận đánh mà quân đội Pháp đã thua những người “bộ đội” Việt Minh.

Đặc biệt, tại hội thảo, nhiều người nghe quan tâm và đặt câu hỏi về chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ.

Về điều này, nhà nghiên cứu Journoud cho biết: “Chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất đáng chú ý vì ông kế thừa, học hỏi từ nhiều nguồn tư liệu. Ông biết rất rõ về lịch sử, về quân sự của nước Pháp. Ông có những nghiên cứu kỹ lưỡng chiến lược quân sự của tướng Bonapart. Nhưng quan trọng không thể không nhắc đến những bài học kinh nghiệm là Đại tướng rút ra từ những nhà chiến lược quân sự tài ba Việt Nam trong chính lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước từ thế  kỷ 13, thế kỷ 15… Tất cả các nguồn tham khảo đó được Đại tướng kết hợp tạo nên một chiến lược đáng kinh ngạc không chỉ quân sự, không chỉ ở bài học tấn công bất ngờ mà cả chiến lược về hậu cần… tạo nên thắng lợi”.

Toàn cảnh bảo tàng quân đội Pháp

Nhà nghiên cứu Pierre Journoud, tác giả cuốn “Điện Biên Phủ: Tiếng nói từ những nhân chứng còn sống sót” khẳng định: Chiến tranh Đông Dương, trận Điện Biên Phủ là giai đoạn đã phần nào “bị lãng quên” trong lịch sử nước Pháp, ít được nói đến, nhất là đối với giới trẻ.

Sách giáo khoa lịch sử của Pháp nêu rất ít về giai đoạn này. Nhà nghiên cứu Pierre Journoud cũng cung cấp nhiều thông tin về các hoạt động hợp tác nghiên cứu và tổ chức hội thảo giữa ông và các học giả Pháp với các học giả Việt nam, cũng như những tiếp xúc của ông với các cựu chiến binh Pháp và cả Việt Nam, cho phép có cái nhìn hai phía về trận đánh.

Chuỗi hội thảo chiến tranh Đông Dương và Điện Biên Phủ nằm trong khuôn khổ cuộc triển lãm “Đông Dương- Mảnh đất và con người 1856-1956” diễn ra tại Bảo tàng quân đội Pháp từ giữa tháng 10/2013 kéo dài đến cuối tháng 1/2014./.