Cách đây hơn 1 tháng, chị Nguyễn Thị Phúc Minh, phường 4, quận 8, TP.HCM không biết mình mắc Covid-19 khi có các triệu chứng khó thở. Ban đầu chị Minh nghĩ bệnh hen tái phát. “Tôi có tiền sử bệnh hen. Cách đây 3-4 năm, khi bệnh ổn hơn tôi đã ngừng dùng thuốc, nên khi xuất hiện triệu chứng khó thở, tôi nghĩ ngay đến bệnh hen. Tôi tự đi mua thuốc theo các đơn thuốc đã được kê trước đó để uống”.
Nhưng chính việc tự mua thuốc uống làm bệnh của chị Minh diễn tiến nặng hơn. Sau khi uống 3-4 ngày, các cơn khó thở ngày càng dày lên. Cùng lúc đó, chồng của chị Minh bị sốt cao và chị bắt đầu nghĩ đến khả năng bị Covid-19. Khi chồng test Covid-19 và xác định dương tính, chị Minh rất sợ hãi.
“Tôi không sốt nhưng cũng có các triệu chứng của người mắc Covid-19, mất vị giác và có cảm giác tê cứng lưỡi. Khi test Covid-19 và biết mình dương tính, tôi rất lo lắng, chủ yếu lo cho 2 con nhỏ. Vì thế việc đầu tiên của tôi trong vòng 24 giờ là cách ly cả nhà ra ở riêng các phòng, vệ sinh nhà cửa, xịt khuẩn, đeo khẩu trang 24/24 và tuân thủ nghiêm 5K”- chị Minh nhớ lại.
Sau đó chị Minh liên hệ với y tế phường và được hỏi rõ các triệu chứng của bệnh. Cán bộ y tế đã hướng dẫn chị Minh cách điều trị tại nhà cũng như khi nào thì cần thiết phải vào viện. “Ở thời điểm đó, thực sự tôi hoảng hốt vì được tư vấn điều trị tại nhà nhưng cũng phải thông cảm vì hệ thống y tế đã quá tải, không thể đòi hỏi hơn được”.
Chị Minh kể, bệnh tình của chị ngày càng trở nặng, sang ngày thứ 5-6 thì bắt đầu sốt cao và kèm theo khó thở nhiều. Cũng may ở thời điểm đó, các triệu chứng của chồng chị đang đỡ dần nên hai người có thể gối nhau chăm lo cho 2 con nhỏ và công việc nhà. Sau đó, hai con của chị Minh cũng bắt đầu sốt nhưng may mắn khỏi bệnh sau vài ngày.
“Sinh hoạt chung trong cùng không gian nhưng vợ chồng tôi tuân thủ rất kỹ khuyến cáo 5K trong khả năng có thể. Chẳng hạn đeo khẩu trang cả ngày, hạn chế tiếp xúc với trẻ con, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn, xông nhà bằng gừng xả... Ăn cơm thì cũng để 2 đứa nhỏ ăn trước, vợ chồng tôi ăn sau, tuân thủ các quy định về giãn cách... Đặc biệt phải tìm cho mình một bác sỹ tin cậy để tư vấn mỗi khi xuất hiện triệu chứng khác lạ”- chị Minh kể.
Khi bệnh trở nặng hơn, chị Minh bắt đầu tìm đến bác sỹ và được tư vấn miễn phí. Theo chị Minh, trên mạng có rất nhiều bác sỹ và nhiều người mách phải dùng thuốc này thuốc kia, nên nếu không tỉnh táo sẽ dẫn đến việc dùng không đúng thuốc, bệnh tình càng trở nặng sẽ rất nguy hiểm.
“Tôi bị nặng và bệnh kéo dài là do tự mua kháng sinh về uống nên bị bội nhiễm. Khi tôi xin tư vấn một bác sỹ quen và bác sỹ có uy tín trong nhóm giúp nhau mùa dịch, thì cơ bản 2 người đều bắt bệnh khá tương đồng và đơn thuốc kê cũng giống nhau nên tôi khá yên tâm điều trị theo tư vấn của hai bác sỹ”- chị Minh chia sẻ.
Sau khi được bác sỹ tư vấn, chị Minh đã bỏ đơn thuốc tự mua và chuyển sang đơn thuốc mà bác sỹ mới kê. Theo chị Minh, với F0 nhẹ, không triệu chứng chủ yếu dùng vitamin theo hướng dẫn của bác sỹ, thường xuyên xúc họng bằng nước muối ấm và sinh hoạt như bình thường. Nếu sốt thì uống thuốc hạ sốt, ho uống thuốc ho, sổ mũi uống thuốc sổ mũi... giống như người bị cảm cúm. Quan trọng là người bệnh phải bình tĩnh và có niềm tin.
Luôn nghĩ và trấn an bản thân phải bình tĩnh nhưng chị Minh cũng nhiều lúc rơi vào tâm lý khủng hoảng, lo lắng. Chị kể, nhiều đêm chị thức trắng không ngủ được vì lo cho các con, lo cho bố mẹ. “Tôi là con một trong gia đình nên rất lo nếu mình có mệnh hệ gì thì ai chăm sóc bố mẹ, rồi các con cũng còn bé. Không sợ hãi sao được khi cùng ngõ nhà tôi số người mắc và chết khá nhiều. Nhà tôi ở cung đường xe cấp cứu chạy liên tục 24/24, lúc nào cũng nghe còi rú, rồi bạn bè, người thân nhà nào cũng có người mất vì Covid-19… khiến tôi mất ngủ triền miên”.
Chị Minh chia sẻ, những người mắc Covid-19 sợ nhất là mỗi khi cơn khó thở kéo đến. Chị thường xuyên bị như vậy, nhất là mỗi khi lo lắng thì bệnh khó thở càng trở nặng. “Theo trải nghiệm của bản thân, khi sợ hãi nhiều, bệnh tình nặng hơn. Vì thế gia đình và bản thân người bệnh phải tự trấn an mình thật bình tĩnh. Theo lời khuyên của các bác sỹ, tôi đo SPO2 liên tục, không để SPO2 bị tụt xuống dưới 94%. Khi đo thấy oxy tụt thì cố gắng bình tĩnh và nằm sấp tập thở dù có đau, có mệt thế nào đi nữa. Càng mệt, càng ho, càng đau thì càng phải tập thở càng nhiều để tăng oxy trong máu và phổi. Sau khi khỏi bệnh cũng thường xuyên tập thở để không bị xơ giảm chức năng. Các bài tập thở có thể tham khảo trên yotube, nhất là các hướng dẫn của những bác sỹ uy tín… Ngoài ra, tôi hay xức dầu vào lưng rồi vỗ phổi và thấy hiệu quả rất rõ, nhất là khi ho có đờm”.
Sau gần 1 tháng chiến đấu với Covid-19, đến nay chị Minh và cả nhà đã âm tính với SARS-CoV-2 sau nhiều lần test. Mọi sinh của cả gia đình chị Minh cơ bản đã trở lại bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, người tư vấn cho chị Minh trong suốt quá trình chị bị bệnh cho biết, chị Minh bị bệnh kéo dài một phần do chị tự mua thuốc về dùng không đúng nên bị bội nhiễm, bệnh từ nhẹ chuyển sang nặng. Vì thế khi thấy mình có triệu chứng không nên vội vàng uống bất cứ một loại thuốc nào nếu chưa nhận được lời khuyên từ bác sỹ, uống thuốc sai lầm và vội vàng sẽ làm tăng nguy cơ diễn biến bệnh từ nhẹ sang nặng. “Người bệnh nên ghi chép lại diễn biến triệu chứng mỗi ngày, đánh giá triệu chứng tăng hay giảm so với ngày hôm trước, có triệu chứng gì mới (hoặc lạ) xuất hiện hay không… Ngày tập thở tối thiểu 2 lần (mỗi lần 2-5 phút), tập thở ngay từ ngày đầu tiên khi xác định mình là F0 (kể cả không có triệu chứng khó thở). Cùng với đó, nên tìm kiếm cho mình một bác sỹ sẵn sàng đồng hành và trao niềm tin cho người đồng hành trong suốt thời gian diễn biến bệnh, không nên một lúc tham khảo 5-10 bác sỹ khác nhau sẽ đánh mất cơ hội của chính mình”./.