Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, đến thời điểm này có hơn 1.500 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, trong đó có hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS. Đau xót nữa là trong số này có nhiều em mất cả cha lẫn mẹ.
Với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần. Khi trẻ được sống trong gia đình đầy đủ cha mẹ và tình yêu thương, các cháu sẽ hoàn thiện nhân cách một cách đầy đủ nhất, có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở mọi hoàn cảnh. Những đứa trẻ không may mắn khi mất đi chỗ dựa là cha hoặc mẹ, đều là thiệt thòi không thể bù đắp đối với các em.
Vậy mà hơn 1.500 đứa trẻ đang được sống trong tình yêu thương và chăm sóc của cha mẹ, bỗng dưng đại dịch tràn qua, cướp đi những người thân yêu nhất. Nhiều em bị mất cả cha lẫn mẹ, bị rơi vào khủng hoảng nặng nề khi chưa hề có sự chuẩn bị để tự chăm lo cho bản thân. Kể cả khi có người thân chăm sóc thì các em cũng không biết đến bao giờ mới vơi được nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời là mất cha mẹ.
Những đứa trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19 không chỉ là nỗi đau của các em, của người thân mà là trách nhiệm, sự lo toan của cả xã hội ở thời điểm hiện tại và cả sau này.
Vậy mà đêm hôm qua, khi Hà Nội mới nới lỏng giãn cách, các quy định phòng chống dịch vẫn còn nguyên; khi cả nước đã và đang nỗ lực cho công cuộc chống dịch, thì vẫn còn một bộ phận những người lớn nhào ra đường chỉ để đi “chơi Trung Thu” gây ùn tắc, bất chấp nguy cơ lây lan còn rất cao trong cộng đồng. Đáng buồn hơn, trong số này có những ông bố, bà mẹ còn đem theo cả những đứa trẻ ra đường hòa vào đám đông ùn tắc.
Người lớn đổ ra đường đi chơi không chỉ thiếu trách nhiệm cộng đồng, với bản thân mà còn thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái. Người lớn đem theo trẻ nhỏ ra tung tăng ra đường chơi vào đêm qua, cũng như vào thời điểm này, là đánh cược mạng sống của mình và con mình. Với ý nghĩ thiển cận "xổ lồng" và "hít thở khí trời" ngày đầu nới lỏng, rất có thể họ đã "đổ sông đổ bể" sự cố gắng của hàng triệu người trong mấy tháng thực hiện nghiêm giãn cách.
Hãy là người lớn có trách nhiệm và nghĩ cho những đứa trẻ. Ai cũng biết dịch bệnh ngày càng phức tạp với những biến chủng mới, tồn tại lâu và lây lan mạnh trong môi trường không khí, thì với “biển người” tụ tập như đêm Trung thu, ai dám chắc mình không có nguy cơ nhiễm bệnh. Các chuyên gia nhiều lần khuyến cáo, kể cả khi dịch có xu hướng giảm và mọi người đã tiêm phòng, nếu không có ý thức sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát dịch.
1.500 đứa trẻ mồ côi cha mẹ ở TP.HCM do đại dịch Covid-19 là nỗi đau có thật và dai dẳng. Hãy vì chính con cháu mình. Đừng để ngày vui của trẻ - đêm Trung Thu - thành nỗi ám ảnh suốt đời./.