Sáng 18/7, cuộc họp rút kinh nghiệm công tác ứng phó bão số 2 diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, khẩn trương tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích trong vụ tàu vận tải chìm tại vùng biển Nghệ An; sẵn sàng phương án ứng phó ngập úng khu vực hạ du khi các hồ thủy điện phía Bắc xả lũ.

da_roi_ljdq.jpg
Mái nhà bị thủng mảng lớn do đá rơi.
Thống kê của các địa phương cho thấy, bão số 2 đã làm 4 người chết, 5 người mất tích, 19 người bị thương; 53 tàu cá bị chìm; sập đổ và tốc mái hơn 4.000 ngôi nhà; ngập úng gần 50.000 ha lúa và hoa màu; làm sạt lở nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ….

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, 10 trong số 13 thuyền viên tàu vận tải VTB 26 bị chìm tại đảo Ngư trên vùng biển của tỉnh Nghệ An đã được tìm thấy, các lực lượng đang được huy động tối đa cùng địa phương tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trong neo đậu tàu, thuyền để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và phương tiện.

Chính quyền địa phương các cấp cần rút kinh nghiệm về quản lý, tổ chức sắp xếp tàu thuyền cập bờ một cách hợp lý, và kiên quyết bằng mọi biện pháp đưa ngư dân vào nơi trú tránh an toàn. Đồng thời tăng cường quản lý các phương tiện vãng lai, không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như vụ chìm tàu vận tải VTB 26 tại Nghệ An.

Những viên đá khá lớn được gia đình dọn dẹp đưa ra ngoài sau bão.
Các lực lượng chức năng địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; khôi phục hệ thống điện phục vụ dân sinh và tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trong thời điểm hiện nay, mực nước các hồ chứa thủy điện khu vực phía Bắc đã và vượt mức nước tối đa nên sẽ xem xét xả lũ theo quy trình vận hàng liên hồ chứa để đảm bảo an toàn. Các địa phương vùng hạ du theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng người dân.

Ông Cường nói: “Chúng ta tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm 4 thuyền viên mất tích của tàu VTB26 và 1 người ở tỉnh Yên Bái. Thông tin, cảnh báo liên tục, thường xuyên đối với những người dân ở những vùng có nguy cơ, nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, quản lý việc sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân trong vùng này cả trước, trong và sau mưa lũ”. (Minh Long/VOV-Trung tâm Tin)

**Quảng Bình khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

Mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 tại tỉnh Quảng Bình làm ngập và hư hại 750 ha lúa và hoa màu, hàng chục tàu cá, tàu hàng bị chìm, hư hại. Một số tuyến giao thông, kênh mương, đê kè bị xói lở hư hỏng.

Hôm nay, các ngành, địa phương ở tỉnh Quảng Bình tập trung các biện pháp giải cứu 9 tàu hàng, 2 xà lan mắc cạn bị mắc cạn, trục vớt tàu bị chìm. Tuy nhiên, phần lớn diện tích lúa bị ngập đang trong thời kỳ làm đòng và chuẩn bị trổ bông nên rất khó hồi phục.

Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân và huy động lực lượng để khắc phục, dọn dẹp cây cối, tu sửa, chằng chống lại nhà của, khắc phục diện tích bị ngập để giảm thiểu thiệt hại. Đối với những thiệt hại do bão gây ra ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Hương Hóa, chúng tôi sẽ dựng lại bia mộ.

Ngoài việc khắc phục thiệt hại, các địa phương cần thống kê lại thiệt hại để báo cáo với tỉnh để có hỗ trợ kịp thời’. (CTV Minh Phong/VOV-Miền Trung)

** Ảnh hưởng của bão số 2, đá lở rơi xuống khu vực nhà dân

Do ảnh hưởng của bão số 2, rạng sáng 18/7, trên núi Bài Thơ - Thành phố Hạ Long xảy ra hiện tượng đá lở rơi xuống khu vực nhà dân ở phía dưới chân núi.

Cụ thể, đá lở đã rơi xuống làm sập mái và vỡ tường nhà hộ gia đình anh Lê Văn Dũng, thuộc tổ 46A, khu 4 phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long. Rất may không có ai bị thương.

Anh Lê Văn Dũng cho biết: Vào khoảng 3h sáng 18/7, gia đình tôi bị đánh thức bởi một tiếng động rất lớn phát ra từ gian nhà trong, là phòng ngủ của các con. Vội vàng chạy vào xem có chuyện gì xảy ra, tôi thấy mái tôn che phòng ngủ đã bị vỡ một lỗ lớn, tường nhà cũng bị vỡ một mảng.

Trên giường ngủ của hai con ngổn ngang những mảnh vụn mái tôn và một tảng đá núi lớn rơi nằm sát chân giường. Rất may, thời điểm xảy ra vụ việc hai cháu nhỏ không nằm trên giường mà nằm dưới đất cho mát, nên không bị thương.

Sau khi vụ việc xảy ra, các hộ dân xung quanh đã có mặt để giúp đỡ gia đình dọn dẹp đống đổ nát, đại diện phòng chức năng của thành phố Hạ Long, phường Hồng Gai đã tới xem xét thiệt hại, thăm hỏi và động viên gia đình. (PV/VOV-Đông Bắc)

** Nghệ An: mới khắc phục được một nửa sự cố điện sau bão

 Do ảnh hưởng của bão số 2, tỉnh Nghệ An là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 6 người chết và 3 người bị mất tích.

Hệ thống điện cũng bị thiệt hại, hư hỏng nhiều, mới chỉ khắc phục được khoảng một nửa số sự cố về điện tại một số huyện:

Tại Nghệ An, bão số 2 đã làm gần 6.000 cột điện bị gãy, 3 trạm biến áp bị ngập hư hỏng và hơn 10km đường dây điện bị đứt, phải thay thế. Do vậy, tại nhiều xã, thị trấn bị mất điện nhiều ngày qua, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân.

Ông Xuân Hùng, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, đến sáng 18/7, trong số 930.000 hộ sử dụng điện trong toàn tỉnh vẫn còn tới 230.000 hộ vẫn chưa có điện, tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, việc tiêu úng cho lúa mùa ở các huyện không gặp nhiều khó khăn do nước rút nhanh.

Tuy nhiên, nhiều diện tích trồng vừng ở huyện Diễn Châu bị thiệt hại nặng nề. (Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin)