Trong lòng đô thị sầm uất, đầu tàu kinh tế của cả nước như TP HCM lại đang tồn tại những mảng màu nhếch nhác, những khu ổ chuột tạm bợ, làm xấu bộ mặt đô thị và gây khổ sở cho người dân. Nguyên nhân do nơi đây tồn tại những dự án treo, có dự án treo đến hàng chục năm.
Từ trung tâm TP HCM đi qua cầu Kinh Thanh Đa bắc qua sông Sài Gòn là tới bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Chỉ cách một con sông nhưng khu vực này lại trái ngược hoàn toàn so với cảnh sống phồn hoa phía bên kia bờ.
Khu ổ chuột giữa lòng đô thị sầm uất TP HCM. |
Bán đảo này nằm trong quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với viễn cảnh nơi đây sẽ trở thành khu vực đắc địa, thậm chí tiềm năng còn vượt qua cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Vậy mà 27 năm qua, siêu dự án này vẫn chỉ... nằm trên giấy.
Được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992, đến năm 2004 dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không thể triển khai được, cho nên năm 2010 thành phố ra quyết định thu hồi. Cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Vì dự án treo suốt thời gian dài nên mặc dù cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, nơi này hiện vẫn như một vùng thôn quê hẻo lánh.
Có mặt tại khu vực này, phóng viên VOV ghi nhận cảnh tượng ao đầm, cây dại cỏ hoang mọc um tùm xen lẫn một vài khu dân cư đơn sơ, nhà cửa lụp xụp, tạm bợ. Để không lãng phí đất, một số hộ dân nơi đây trồng lúa để mưu sinh, ngoài ra còn nuôi tôm cá, trồng dừa, trồng rau để bán. Vì nhà cửa dột nát, xuống cấp nên năm 2018, thành phố cho phép người dân được sửa chữa lại nhà cửa. Tuy nhiên, người dân ở nơi đây cứ ngập ngừng vì họ được thông tin sẽ sớm bị giải toả trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh bày tỏ: “Nguyện vọng của người dân là nếu không thực hiện được dự án thì xoá bỏ quy hoạch để người dân bán đất đai, làm đường cho trẻ em học hành. Như chúng tôi già rồi, ở nhà làm gì có thu nhập. Đất đai không bán được. Đúng ra, nếu không để trong quy hoạch thì khu vực này lên đô thị từ lâu rồi”.
Không chỉ nhà cửa, đường sá tại đây cũng chi chít ổ gà, ổ voi. Các con đường đổ bê tông chỉ rộng khoảng 2m nên đi lại khó khăn. Đáng lo ngại hơn là tình trạng ngập nước tại khu vực này mỗi khi mùa mưa đến. Mặc dù sống khổ sở như vậy nhưng ông Vũ Nguyên Khôi, người dân phường 28, quận Bình Thạnh khẳng định vẫn bám trụ lại bởi đây là nơi ông sinh ra, đất được tổ tiên ông bà để lại đã 3-4 đời. Theo ông Khôi, dù đã gần qua nửa đời người, nhiều nhà đầu tư đến rồi đi nhưng dự án cứ treo đằng đẵng.
“Yêu cầu Nhà nước có chủ trương giải toả thì làm gấp, nếu không bỏ giải toả đi để người dân ổn định cuộc sống. Nếu sau này có tái định cư thì người dân mong muốn có chỗ ở ổn định, tuy không được như cũ nhưng có đỡ hơn thì người dân yên tâm. Nguyện vọng nếu cho tái định cư tại chỗ thì rất hoan nghênh”, ông Khôi nói.
Cùng chung cảnh sống trong dự án treo là khu vực “xóm tạm” dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Dự án có chiều dài 6,1 km nối từ sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp đến khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh.
Được phê duyệt từ năm 2002, đến nay qua 17 năm nhưng cảnh tượng ô nhiễm, rác thải tràn ngập thì chẳng có nhiều thay đổi. Hai bên bờ rạch, người dân khốn khổ vì phải ăn ngủ, sinh hoạt bên dòng kênh hôi thối, đen đặc.
Ghi nhận thực tế của phóng viên VOV tại khu vực này, dọc bờ rạch Xuyên Tâm có đủ các loại rác thải trôi nổi khắp bề mặt rạch, nằm dưới sàn những ngôi nhà hai bên rạch, bốc mùi hôi nồng nặc. Nhiều người dân bức xúc vì rác thải khắp nơi cứ trôi về, tồn đọng ngày càng nhiều.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, người dân phường 15, quận Bình Thạnh bày tỏ nguyện vọng được tái định cư tại chỗ, dự án sớm được triển khai để bớt nỗi khổ cho người dân: “Một nhà ba bốn gia đình ở. Bây giờ muốn tìm nhà ở khang trang cũng không phải dễ. Người ta có tiền thì người ta đi mua đất, làm nhà còn mình không có tiền thì đâu có làm gì được”.
Rạch Xuyên Tâm được phê duyệt thực hiện bằng ngân sách Nhà nước với kinh phí dự kiến hơn 120 tỷ đồng. Vướng mắc khiến dự án treo quá lâu là do ranh quy hoạch của dự án lớn, phát sinh chi phí bồi thường cao dẫn tới ngoài khả năng thực hiện của thành phố. Năm 2010, TP HCM tái khởi động dự án bằng hình thức kêu gọi xã hội hoá. Năm 2016, Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm lập báo cáo nghiên cứu khả thi với quy mô có thay đổi so với đề xuất dự án ban đầu. Việc điều chỉnh lại dự án đã khiến tổng mức đầu tư đội lên 8.600 tỷ đồng.
Hai vướng mắc mà Công ty Hà Nội Ngàn Năm gặp phải là giải pháp thiết kế và việc chồng lấn ranh dự án. Vấn đề giải phóng mặt bằng không thực hiện được do việc phân định ranh quy hoạch không thể thống nhất giữa địa phương và các sở ngành cũng như doanh nghiệp. Do bủa vây xung quanh là rác thải, nên đến mùa khô nước rút thì bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng sinh sôi. Đến mùa mưa, nhiều hộ dân sát dòng kênh còn bị ngập, rác theo dòng nước trôi xung quanh nhà. Mặc dù nhà cửa nứt vỡ nhưng người dân không dám sửa vì lo bị đột ngột di dời.
Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân phường 15, quận Bình Thạnh bày tỏ nguyện vọng được tái định cư tại chỗ vì đã quen nơi làm ăn sinh sống: “Bà con không biết lúc nào làm nên cuộc sống bất an. Cũng bất tiện, muốn xây dựng nhà để yên ổn làm ăn cũng không được. Nhà nước nếu có chính sách làm thì làm sớm, còn đền bù theo giá trị kinh tế thị trường, hai bên thoả thuận đồng ý với nhau”.
Hai dự án nêu trên đều là những dự án trọng điểm của TP HCM, không chỉ để cải thiện môi trường mà còn có thể phát triển du lịch, cải tạo cảnh quan cho thành phố. Trên hết, dự án nhằm mục đích cao nhất là mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Thế nhưng, việc triển khai cứ giậm chân tại chỗ hàng chục năm trời không chỉ khiến cho nguồn lực của thành phố bị lãng phí, đời sống người dân bị ảnh hưởng mà quan trọng hơn, làm giảm niềm tin của người dân đối với chủ trương của thành phố. Lãnh đạo TP HCM cần vào cuộc quyết liệt, mạnh tay hơn để những dự án treo được bước ra khỏi trang giấy./.