Ngày 19/9, tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức Hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) – từ chính sách đến thực tiễn”.     

Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, các nhà máy điện nhiệt điện đốt bằng than sản sinh ra một lượng lớn khí thải độc hại. Người dân sống cạnh nhà máy là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, đa phần họ không được tham gia vào quá trình tham vấn, đánh giá tác động môi trường khi xây dựng nhà máy. 

vov_nha_may_nhiet_dien_duyen_hai_rmvd.jpg
Nhà máy nhiệt điện duyên hải. (ảnh: Phan Ánh).

Từ nay đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 14 nhà máy nhiệt điện mới. Để tránh những tác động xấu đến môi trường sống, các nhà khoa học đề xuất cần có những khung pháp lý, quy trình thủ tục về việc đầu tư xây dựng các dự án này; nâng cao chuyên môn cho cán bộ các cấp và các bên có liên quan tại Đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình ra quyết định liên quan tới các dự án năng lượng; đồng thời, tăng cường hiểu biết cho cộng đồng về các chi phí và lợi ích về môi trường và xã hội của các dự án phát triển quy mô quốc gia hoặc khu vực. Các dự án này phải được công khai đánh giá tác động môi trường.         Ông Phạm Anh Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngoài sự phản biện của các nhà khoa học chuyên ngành, người dân cũng phải được tham gia phản biện, để việc đánh giá tác động môi trường một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Phạm Anh Dũng cho biết: "Tham vấn cộng đồng chủ yếu lấy ý kiến của sở, ban, ngành chứ không được lấy ý kiến rộng rãi từ các người dân. Đặc biệt những quy hoạch cũng lấy ý kiến của các địa phương, cho nên tôi nghĩ phải có tham vấn kỹ về vấn đề môi trường, mà người dân cũng phải tham gia góp ý vào cho quy hoạch bởi vì những quy hoạch này chính là những dự án sau này triển khai thêm"./.