Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bình Dương có cả trăm ngàn lao động mất việc làm. Thế nhưng, có một nghịch lý là hiện có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Tại sao có sự nghịch lý đó?

“Đỏ mắt” tìm lao động

Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, thì nay Công ty Kurabe Việt Nam đã khôi phục sản xuất. Từ đầu tháng 6 đến nay, công ty liên tục đăng tin thông báo tuyển 400 lao động nhưng hiện vẫn chưa tuyển đủ số lượng.

Anh Nguyễn Thanh Ngữ, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, do khó khăn trong tuyển dụng lao động tại chỗ nên công ty đã hình thành “chân rết” ở các tỉnh để đưa người lao động về với doanh nghiệp. Nếu như trước đây, công nhân đi xin việc làm phải tốt nghiệp THCS, hoặc biết đọc, viết thì hiện nay những bộ hồ sơ xin việc cũng đã “thoáng” hơn.

“Công nhân thấy có đủ điều kiện trong thông báo tuyển dụng thì nộp hồ sơ vào công ty. Sau đó công nhân sẽ được làm bài kiểm tra, đạt điểm bài kiểm tra xong vô phỏng vấn sẽ được tuyển dụng. Điều kiện làm việc tại công ty không khắt khe”, anh Ngữ nói.

Với 2 nhà xưởng sản xuất tại khu công nghiệp VSIP 1 và VSIP 2 ở Bình Dương, hiện Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam đang cần tuyển khoảng 800 công nhân. Không chỉ tuyển dụng lao động có tay nghề, công ty còn sẵn sàng đào tạo nghề cho công nhân, thế nhưng vẫn luôn “khát” lao động.

Để có đủ số lượng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty lấy chính công nhân của mình làm “kênh” tuyển dụng, nếu giới thiệu bạn bè, người thân vào làm việc sẽ được thưởng số tiền 1 triệu đồng/người.

Bà Chống Sỹ Bình, Trưởng phòng nhân sự công ty cho biết, công ty liên tục đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút lao động về “đầu quân”, với hy vọng thời gian tới sẽ có đủ lao động để ổn định sản xuất.

“Đối với tất cả công nhân đều hỗ trợ nhà ở, có xe đưa đón và hỗ trợ tiền gửi trẻ cho công nhân dưới xưởng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ thành viên mới vào làm việc 1 tháng 1 triệu động. Đó là những phúc lợi cho công nhân ở nhà xưởng tại khu công nghiệp VSIP 2”, bà Bình cho hay.

Một số doanh nghiệp khác ở Bình Dương cũng có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng cũng đang gặp khó, như: Công ty Sharp Manufacturing Việt Nam đang cần tuyển 2.000 lao động trong lĩnh vực điện tử từ nay đến cuối năm 2020; Công ty  Showa Gloves sản xuất bao tay đang có nhu cầu tuyển 400 lao động; Công ty Zeng Hsing Industrial có nhu cầu tuyển 50 lao động sản xuất máy may; Công ty TNHH Right Rich Việt Nam tuyển dụng từ 500 - 600 công nhân…

Lời giải nào cho “bài toán” thiếu lao động

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, Bình Dương có khoảng 150.000 lao động bị mất việc hoặc tạm ngừng việc … chủ yếu tập trung các ngành sản xuất do thiếu nguyên vật liệu, phụ liệu để gia công và các doanh nghiệp dịch vụ đóng cửa, dừng hoạt động. Trong số lao động mất việc có hơn 66.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lao động mất việc khá nhiều trong khi có doanh nghiệp vẫn phải “đỏ mắt” tìm người.

Trước nghịch lý này, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, đây là một bài toán khó với Bình Dương. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ cả hai phía đó là người lao động và doanh nghiệp.

Lao động bị mất việc làm tăng, nhưng chuyên môn không phù hợp với ngành nghề mà các doanh nghiệp cần tuyển dụng. Mặt khác, các doanh nghiệp ngại đào tạo lại nên muốn tìm lao động có tay nghề, vào làm việc ngay. Một số người lao động có tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền hỗ trợ nghỉ việc của công ty nên về quê nghỉ “xả hơi” chưa muốn trở lại thị trường lao động.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, tạo cơ hội tiếp cận cho doanh nghiệp và người lao động. Thế nhưng, “cung” vẫn chưa đủ “cầu”.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết: “Đối với lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm. Khi người lao động đến thông báo tìm việc ở những tháng tiếp theo thì trung tâm tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp và sàn online để cơ hội cho người lao động tìm việc tại doanh nghiệp gần hơn”.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động, số người xin hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn "đau đầu" tìm lao động còn có lý do khác, đó là nhiều người lao động muốn có việc làm, vừa muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bởi theo quy định tại Nghị định số 61/2020 của Chính phủ, nếu người lao động có việc làm mới thì sẽ chấm dứt ngay hưởng trợ cấp thất nghiệp; số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu.

Do đó, người lao động sẽ xin làm thời vụ cho các công ty mà không cần hợp đồng chính thức. Điều đó đồng nghĩa, một giai đoạn người lao động vẫn "âm thầm” vừa nhận lương vừa nhận trợ cấp thất nghiệp; còn doanh nghiệp “né” đóng bảo hiểm xã hội.

Do đó, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương cần rà soát kiểm tra để tránh tình trạng doanh nghiệp và người lao động “bắt tay” trục lợi trợ cấp thất nghiệp./.