Xoay đủ nghề để mưu sinh
Theo số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH, trong tháng 2/2020, dựa trên báo cáo của 22 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Số lao động bị mất việc do đại dịch Covid-19 là 1.027 người, chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...
Nhiều lao động mất việc làm vì đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Mùa dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người lao động lao đao vì nghỉ việc không lương, giảm sút thu nhập, buộc phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đồng thời phải tìm việc mới để mưu sinh.
Những ngày qua, chị Thanh Hương (một giáo viên mầm non tư thục ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) bận rộn với công việc kinh doanh mới là bán bánh trôi tàu, chè dừa non online do mình tự nấu. Công việc này được chị Hương nghĩ đến khi nhiều người trong gia đình khen chị nấu ngon và bạn bè động viên chị mở bán hàng online trong lúc thất nghiệp tạm thời vì dịch Covid-19.
Chị Hương chia sẻ: "Những ngày đầu nghỉ việc tôi chỉ loay hoay nội trợ trong nhà, thu nhập không có khiến tôi vô cùng lo lắng. Dịch cứ kéo dài thế này thì tôi không thể cứ ở nhà chơi mãi được. Tôi đã thử làm nhiều việc như bán hàng thuê, phục vụ quán cà phê,... nhưng cũng chỉ làm được vài ngày thì cửa hàng và quán đều đóng cửa vì vắng khách. Sau đó, tôi nghĩ đến việc bán hàng đồ ăn online vì gia đình và bạn bè ai cũng khen tôi khéo tay nấu ăn ngon".
Hiện giờ, mỗi ngày chị Hương cũng bán được mấy chục suất bánh trôi tàu và hàng trăm cốc chè dừa non, kiếm được khoảng 200.000 đồng mỗi ngày sau khi trừ chi phí nguyên liệu.
"Khách hàng ăn thấy ngon và liên tục đặt hàng. Tôi thì lấy công làm lãi, tranh thủ làm để kiếm tiền mưu sinh mùa dịch bệnh", chị Hương nói.
Là giáo viên dạy nhạc, chị Ánh Hồng (ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang gặp khó khăn vì công việc gián đoạn do dịch bệnh. Chị Hồng cũng xoay sang hướng chế biến đồ ăn tại nhà rồi rao bán trên các trang mạng.
Các món ăn tự chế biến được rao bán trên mạng với giá khá rẻ. (Ảnh minh họa: FB) |
"Những ngày đầu, tôi không lượng được khách, cứ nấu ra rồi vừa bán vừa ăn, của nhà nấu nên đảm bảo chất lượng. Nhưng sau vài tuần khách hàng đã quen, ăn thấy ngon và giá cả hợp lý nên đặt hàng thường xuyên. Chồng tôi là công nhân cũng đang phải nghỉ luân phiên vì dịch Covid-19 nên phụ tôi giao đồ ăn đến tận nhà cho khách. Với thu nhập kiếm thêm hiện nay, hai vợ chồng tôi có thể chi tiêu đủ cho gia đình qua mùa dịch", chị Hồng nói.
Tạm nghỉ ở nhà do dịch, anh Hoàng Trung (một giáo viên tiếng Anh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, anh đã xoay ngay sang dạy học trực tuyến để kiếm tiền chăm lo cho gia đình. "Học sinh của tôi tự đề xuất được tiếp tục học online nên nghỉ dạy ở trung tâm và ở trường là tôi mở lớp online luôn. Lớp học của tôi ít học sinh nhưng thu nhập vẫn đều vì tôi dạy được nhiều lớp hơn so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát", anh Trung cho hay.
Mỗi ngày, anh Trung có thể dạy được từ 3-4 lớp, mỗi lớp khoảng 1-1,5 giờ, mang lại nguồn thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. Với khoản thu này anh Trung và gia đình có thể yên tâm sống qua mùa dịch.
Sợ thất nghiệp hơn sợ dịch
Không may mắn tìm được ngay công việc thích hợp, anh Đức (một nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Từ khi có dịch thì công ty anh đã cắt giảm nhân sự và anh phải tạm thời nghỉ không lương ở nhà.
"Vừa ra trường không lâu, mới được thử việc vài tháng tại một công ty tư nhân nay lại phải nghỉ ở nhà nên tôi thấy khó khăn lắm. Chi tiêu cũng phải hạn chế tối đa rồi nhưng tiền thuê nhà, tiền ăn uống vẫn phải chi thường xuyên nên tôi đang tính sẽ chạy xe Grab," anh Đức nói.
Tâm sự rằng anh sợ thất nghiệp còn hơn cả sợ dịch bệnh vì hiện nay mỗi ngày anh chỉ chạy được 2-3 chuyến, trừ tiền chiết khấu, xăng, hao mòn phương tiện anh Đức chỉ còn vài chục nghìn đồng, không đủ trang trải sinh hoạt phí hàng ngày.
Qua theo dõi thị trường lao động thời gian qua, một số doanh nghiệp mới cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh thu nhập của người lao động, chứ chưa có ý định sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, dự báo trong quý II/2020, số lao động thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đối với người lao động mất việc, thất nghiệp tạm thời thì thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, còn lại hỗ trợ thông qua chính sách tạo việc làm thay thế tạm thời có tính thời vụ 6 tháng đến 1 năm trong thời gian chờ dịch qua.
Chính phủ cần có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi. Trong trung và dài hạn là phải có chiến lược cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.
Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc theo quy định hiện hành do người sử dụng lao động chi trả. Còn trợ cấp thất nghiệp là trợ cấp được chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp./.