VOV.VN - Hầu như quận, huyện nào cũng có tình trạng các miệng gas thoát nước, các cống xả bị chiếm dụng xây dựng nhà ở, lấn chiếm kênh rạch, xả rác bừa bãi.
Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là 1 trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra. Thành phố đã chi hàng nghìn tỷ đồng, đầu tư nhân lực, vật lực để thực hiện chương trình này.
Thế nhưng, sau trận mưa lịch sử 26/9 và những trận mưa liên tiếp đã khiến cho người dân ở đô thị bậc nhất cả nước này nghi ngờ về hiệu quả của các công trình chống ngập mà thành phố đang thực hiện. Lãnh đạo Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo công tác chống ngập một cách quyết liệt hơn. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại cho rằng qua sự cố vừa rồi nên xem xét lại một cách thấu đáo toàn bộ quy hoạch đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.
TP.HCM trải qua trận ngập lụt lịch sử.
Trận mưa to như trút nước kéo dài 2 giờ đồng hồ chiều 26/9 đã làm cho giao thông Thành phố Hồ Chí Minh tê liệt hoàn toàn khi cả Thành phố dường như chìm trong biển nước. Từ chiều đến 22h đêm, hàng ngàn người vật vã, mệt mỏi trên phương tiện giao thông, hoảng loạn xê dịch trong nước để về nhà. Không chỉ có giao thông tê liệt mà rất nhiều người còn phải sống chung với nước ngập trong nhiều ngày, hàng ngàn phương tiện được gửi trong các tầng hầm chung cư cao tầng đã bị nước nhấn chìm, gây hư hỏng nặng cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Thiệt hại do mưa và ngập nước trong những ngày qua không thể thống kê hết.
Ông Hoàng Minh Khánh, nhân viên bãi giữ xe số 5D đường Nguyễn Siêu, Quận 1 vẫn không quên được cơn mưa hôm 26/9 đã nhấn chìm hơn 1 ngàn xe gắn máy của khách gửi tại đây dưới sự bất lực của lực lượng giữ xe: “Ngoài việc nước chạy từ ngoài vào trong thì nước mưa xuống. Anh em đã cùng nhau dắt xe cho bà con nhưng không tránh được vì nước dâng quá cao”
Sau ngày 26/9, người dân tiếp tục hứng chịu thêm 2 trận mưa nữa, mức độ không như cơn mưa chiều 26/9 nhưng cũng đủ làm hàng ngàn người dân tiếp tục điêu đứng sống trong nước ngập và thêm hoài nghi về hiệu qủa của các công trình chống ngập của Thành phố. Những ngày mưa lớn, Trung tâm chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh với trên 200 nhân viên đã phải ứng trực vận hành hệ thống thoát nước. Lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn thành phố phải trực 100% quân số để kịp thời xử lý sự cố do ngập lụt.
Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thì trận mưa lớn gây ngập vừa qua là bất khả kháng và không ngờ tới. Tuy nhiên, qua đợt khảo sát của lãnh đạo Ủy ban thành phố về hệ thống thoát nước trên địa bàn cho thấy chính sự chủ quan của thành phố trong công tác quản lý là nguyên nhân quan trọng khiến cho việc xử lý thoát nước gặp khó khăn. Bởi hầu như quận, huyện nào cũng có tình trạng các miệng gas thoát nước, các cống xả bị chiếm dụng xây dựng nhà ở; tiếp đó là tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xả rác bừa bãi… Để giảm ngập, các quận, huyện phải khôi phục lại hiện trạng, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm kênh rạch. Quận, huyện nào để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm kênh rạch sẽ bị xử lý kỷ luật.
Lãnh đạo thành phố đã chia sẻ với những thiệt hại và khó khăn của người dân trong trận mưa vửa qua và để giúp người dân hạn chế những phiền hà, rủi ro khi có mưa ngập, lãnh đạo Thành phố yêu cầu Sở Thông tin -Truyền thông và Trung tâm chống ngập phải có những dự báo và xây dựng bản đồ cảnh báo khu vực nào có mưa ngập. Đồng thời thông tin rộng rãi trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Thành phố cho dân biết.
VOV.VN -Mưa lớn trên diện rộng diễn ra liên tục 3 ngày ngày qua, khiến nhiều khu vực dân cư tại TP HCM phải căng mình chống chọi với ngập lụt.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cùng với các giải pháp chống ngập một cách căn cơ, lâu dài thì để giảm tình trạng ngập như vừa qua, Trung tâm điều hành chống ngập phải khẩn trương thực hiện các dự án chống ngập, kiểm tra, nạo vét kênh rạch, cửa xả đảm bảo thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp bách, tăng năng lực thoát nước vào mùa mưa. Song song đó, Thành phố phải thực hiện kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch xây dựng ảnh hưởng đến thoát nước:
“Phải thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn; Kiểm tra công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu dân cư, khu đô thị mới theo quy hoạch. Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép, lấn chiếm dòng chảy, cửa thu và thoát nước, gây tình trạng ngập nước cục bộ khi mưa, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”.
Trong khi chính quyền và các ban ngành thành phố đang khẩn trương tìm giải pháp chống ngập cấp bách từ sự cố vừa qua thì một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại việc quy hoạch và hiệu quả các dự án chống ngập của thành phố.
Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông đô thị thì: hệ thống thoát nước của thành phố Hồ Chí Minh đang có lỗ hổng lớn về khả năng thoát nước mưa do tiêu chuẩn Bộ Xây dựng lạc hậu, dẫn đến quy hoạch sai, dự án cống quá bé và không mang tính hệ thống cho một đô thị. Lỗi thứ yếu là năng lực bộ máy con người quản lý hệ thống thoát nước quá kém thiếu trách nhiệm, kéo theo lợi ích nhóm cả nhà thầu, chuyên gia, tư vấn, hiệp hội...
Tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng: “Phải coi lại quy hoạch, coi lại những tiêu chuẩn kỹ thuật. Hai ba chục năm rồi, coi lại những dự án chương trình chống ngập ra sao. Cái nào hiệu quả tốt thì phát triển lên, còn cái nào không tốt thì chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận phê bình, kiểm điểm, kể cả xử lý kỷ luật cá nhân. Chứ còn bây giờ không nhìn lại vụ ngập rồi đổ thừa trời, đổ thừa mưa lớn, đồ thừa ý thức, đổ thừa xả rác thì những cái đó có vẻ lạc lõng lắm”.
VOV- Cơn mưa tối 27/9 không lớn bằng cơn mưa chiều 26/9 nhưng kèm theo gió rất lớn. Những cơn gió quật mạnh, đẩy mưa xối xả vào mặt người đi đường.
Chương trình chống ngập là một trong bảy chương trình đột phá của Thành phố nhằm hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và đáng sống. Tuy nhiên, từ trận mưa lịch sử gây ngập nặng trên 59 điểm của thành phố vừa qua cho thấy dường như những công trình chống ngập của Thành phố đã không thể phát huy tác dụng. Vì vậy cùng với các giải pháp chống ngập đang thực hiện, cũng cần tính đến giải pháp sống chung với ngập nước và triều cường, bởi Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 đô thị lớn của thế giới bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng./