Trong cuốn tư liệu “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam” có đoạn viết: “Trịnh Thị Ngọ (biệt hiệu Thu Hương, binh sĩ Mỹ thường gọi là Ha-na) là phát thanh viên tiếng Anh có giọng nói chuẩn xác và ngọt ngào, được binh sĩ Mỹ rất yêu thích”. Trong một dịp vào công tác tại TP. HCM, tôi đã vinh dự được gặp con người huyền thoại ấy.

Bà Trịnh Thị Ngọ năm nay đã gần 80 tuổi. Bà có vẻ yếu bởi vừa phải trải qua một cơn bạo bệnh. Xưa kia, bà là thanh nữ tư sản Hà thành (cha là Trịnh Đình Kính - “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức). Trịnh Thị Ngọ sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội. Bà từng là hoa khôi duyên dáng đất Hà thành. Thi đậu tú tài Pháp, bà học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Năm 1955, Đài TNVN mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.

Ha-na-1.jpg

Hannah- "Nàng tiên cá" của binh lính Mỹ

Gặp bà, tôi vào chuyện ngay:

- Kỹ năng nói tiếng Anh trên đài và giao tiếp ngoài đời có gì khác, thưa bà?

Bà nhẹ nhàng trả lời:

- Tiếng Anh trên đài cần đọc rõ, đúng trọng âm, đọc giọng Mỹ hoặc giọng Anh. Tôi đọc theo giọng Anh. Trước đây có phóng viên Mỹ hỏi: Tại sao bà học tiếng Anh? Lý do đơn giản là hồi nhỏ tôi mê phim Mỹ, nhất là phim “Cuốn theo chiều gió”. Tôi muốn biết “các tài tử” đang nói gì với nhau thay vì phải xem phụ đề qua bản dịch.

Tôi hỏi:

- Có nhiều huyền thoại về giọng đọc của bà, có bí quyết nào ở đó không ạ?

Bà cười đôn hậu tiếp lời:

Nguyên tắc đọc tin của tôi là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng không quá cứng rắn. Chọn từ ngữ cần dùng cho phù hợp. Với những cuộc trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tôi không gọi là kẻ thù (enemy) mà gọi là đối phương (adversary). Các anh ở bên quân đội viết tin bằng tiếng Việt, tôi là một trong số những người chuyển ngữ sang tiếng Anh. Khi đề cập thời sự cuộc chiến, tôi thường dẫn thêm lời báo chí Mỹ để thông tin có phần khách quan. Thông điệp mà tôi cố gắng truyền đạt đến từng lính Mỹ là: Các anh đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!

Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ từng cấm binh sĩ ở Hạm đội 7, binh sĩ ở Thái Lan cũng như ở miền Nam Việt Nam không được nghe chương trình do Ha-na thực hiện. Nhưng càng bị cấm, họ càng lén lút nghe rồi truyền bá cho nhau. Chương trình tiếng Anh dành cho lính Mỹ thời ấy đạt hiệu quả rất cao, là thành công của sự hợp tác giữa Đài TNVN với Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị). Gần 4 thập kỷ đã qua, nhưng đến nay có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam còn giữ được băng cát sét thu “Tiếng nói nàng tiên cá Hannah”.

Nhớ lại năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, bà Trịnh Thị Ngọ được giao thực hiện chương trình Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ. Câu mở đầu của chương trình là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”. Lúc đầu, lời thoại dài năm, sáu phút và mỗi tuần có hai buổi phát, về sau tăng dần thời lượng và phát ngày ba buổi, mỗi buổi 30 phút. Mỗi ngày “Hannah Hà Nội” có 90 phút trò chuyện với binh sĩ Mỹ. Hằng ngày có hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ nghe Thu Hương trò chuyện. Những buổi phát thanh của Ha-na khiến cho binh sĩ Mỹ tranh luận với nhau có khi còn dẫn tới ẩu đả. Một số sĩ quan Mỹ bực tức vì “chiến tranh tâm lý của cộng sản” phải hét lên: “Hannah! Người là đấng tiên tri hay là quỷ dữ mà biết lắm điều thế?”. Nhà báo Mỹ Don North khi đang là phóng viên của hãng ABC News đã tới Việt Nam gặp Hannah ngay trên sân thượng khách sạn Rex (Sài Gòn). Về nước, Don North viết một phóng sự thuật lại cuộc gặp này: “Không! “Hannah Hà Nội” không phải là ma. Chị không có vẻ tai ác, mà đã đến đúng hẹn. Một phụ nữ yêu kiều nhỏ nhắn, ăn mặc hấp dẫn xuất hiện và dường như những âm thanh thời chiến của đài Hà Nội trở lại như những đợt sóng: “Chúng ta phải đi khỏi nơi đây, nếu đó là việc cuối cùng cần làm. Chúng ta phải đi khỏi nơi đây chắc chắn là có một cuộc sống tốt đẹp hơn đối với tôi và anh”. Đó là một bài hát của nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng Eric Burdon được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát sóng, trong khi quân lực Hoa Kỳ lại cấm...

Trước khi chia tay, tôi hỏi:

- Bà cho biết một vài kỷ niệm sâu sắc của mình?

“Hannah Hà Nội” với giọng trầm ấm đáp:

- Hơn 20 năm làm việc ở Đài TNVN, tôi ghi nhớ sự quan tâm và lòng ưu ái của nhiều đồng nghiệp. Đó là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời tôi. Năm 1967, tôi cùng một số anh, chị em ở Đài may mắn được gặp Bác Hồ và chụp ảnh chung với Người. Tấm ảnh đó, tôi lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Tôi cũng từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khích lệ và dành cho những sự quan tâm mà cả đời tôi không bao giờ quên. Nghề nghiệp đã cho tôi môi trường được gặp và làm quen với một số nhà báo, nghệ sĩ nước ngoài có tình cảm đặc biệt với Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như nhà báo Australia Bớt-sét, nữ ký giả Pháp M.Ri-phao-va, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ danh tiếng Jane Fonda. Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, nhưng vẫn không ít nhà báo, nhà văn, đạo diễn truyền hình của nước ngoài, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ tìm tới tôi để hỏi chuyện xưa. Có lần một phóng viên Mỹ hỏi tôi: “Chị có nói dối không? (nội dung trong những buổi phát thanh của đài)”. Tôi trả lời: “Chúng tôi không bao giờ nói dối. Các tin tức chúng tôi sử dụng khai thác từ chính các hãng thông tấn phương Tây và báo chí Mỹ. Chúng tôi đã nói về sự thật cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ để giúp nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc tôi”.

Nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng “Ha-na Hà Nội” Trịnh Thị Ngọ vẫn dành nhiều thời gian để truyền thụ kinh nghiệm nghề nghiệp cho những thế hệ đi sau ở Đài Truyền hình TP. HCM... Tôi nhớ mãi tâm sự của bà: Trên đời này có hai thứ tôi “trung thành cho tới chết”, đó là chồng con và nghề nghiệp./.