Chọn phương án nào trong dự thảo lần thứ 3 Đề án tổ chức lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012: Không tổ chức phát ấn, chỉ khai ấn; hoặc khai ấn như thường lệ, nhưng phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày trên cơ sở thực hiện thật tốt các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường? Các đại biểu đã bàn thảo sôi nổi về các phương án trên tại “Hội thảo khoa học về mô hình tổ chức, quản lý lễ hội Đền Trần, do Sở VH-TT&DL Nam Định phối hợp với UBND TP.Nam Định và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (VICAS) tổ chức tại Nam Định vừa qua.

Trong số hàng ngàn lễ hội diễn ra trên cả nước, lễ hội Đền Trần thu hút sự chú ý đặc biệt. Tuy nhiên, sự kiện phát ấn nửa đêm 14 tháng Giêng (âm lịch) tại Đền Trần diễn ra hết sức lộn xộn với sự chen lấn, dẫm đạp lên nhau của hàng vạn người trước sự bất lực của Ban tổ chức, là tâm điểm của báo giới và cơ quan quản lý di sản và lễ hội trong những ngày đầu năm mấy năm trở lại đây.

Những mặt tích cực và hạn chế của sự kiện này được bàn luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng với những ý kiến trái chiều. Trong số những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức lễ hội Đền Trần, tình hình an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội được nhắc đến nhiều nhất. Có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về lễ hội Đền Trần. Luồng ý kiến thứ nhất chủ yếu nhấn mạnh các điểm yếu của lễ hội, cho rằng lễ hội này là “xuyên tạc lịch sử”; luồng ý kiến thứ hai một mặt khẳng định những hạn chế của công tác tổ chức nhưng vẫn khẳng định những giá trị văn hóa của lễ hội.

Một số nhà khoa học đưa ra nhận định về những khía cạnh tiêu cực trong công tác tổ chức lễ hội thời gian gần đây. Một số ý kiến cho rằng, nên cấm tổ chức phát ấn tại Đền Trần; một số nhà khoa học lại cho rằng, việc phát ấn Đền Trần đáp ứng nhu cầu tâm linh và thực hành nghi lễ của đông đảo người dân.

Den-Tran-trong.jpg

Theo điều tra xã hội học của VICAS về lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2011, với 800 phiếu điều tra tại địa bàn Nam Định và các địa phương khác, VICAS đã thu được kết quả như sau: Khi được hỏi về tác dụng của ấn Đền Trần khi treo trong nhà, phần lớn người dân cho rằng ấn đem lại sự bình an, hạnh phúc trong gia đình (72%), giúp các thành viên trong gia đình khỏe mạnh (40%), giúp làm ăn phát đạt (34,8%), giúp học vấn (24,7%); trấn trạch, trừ ma (22,6%); thăng quan tiến chức (15,2%); và chỉ có 8,9% cho rằng ấn treo trong nhà chỉ mang tính chất tâm lý chứ không có linh thiêng gì.

Khi được hỏi về phương án thay đổi mô hình ban ấn những năm tới, phần lớn ý kiến người dân cho rằng vẫn giữ nguyên việc khai ấn như mọi năm vì đây là truyền thống từ xưa để lại. Tuy có những khác nhau, song về cơ bản, ý kiến người dân cho rằng ấn và việc phát ấn là những biểu thị của văn hóa truyền thống và cần tôn trọng. Vấn đề là cần cải tiến khâu tổ chức.

TS. Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học Việt Nam: Việc phát ấn tràn lan như hiện nay là không đúng

Lịch sử không có một lễ khai ấn nào kiểu như gần đây chúng ta tiến hành. Hiện nay, ấn ở Đền Trần mang ý nghĩa bùa phép nhiều hơn là ý nghĩa về lịch sử và di sản. Khoảng vài năm nay mới có chuyện đóng ấn nhiều để phát cho khách thập phương mà trước đó chỉ mang tính chất nội bộ chứ không mang tính toàn quốc như bây giờ. Dự thảo đề án Tổ chức lễ hội Đền Trần Nam Định 2012 đưa ra lần thứ 3 nhưng còn quá nhiều thiếu sót. Dẫn chứng về việc phát ấn chưa có tư liệu ghi chép, mà chỉ có khai ấn. Chuyện phong ấn, mở ấn chỉ có ở triều Nguyễn. Việc phát ấn tràn lan như hiện nay là không đúng. Để chấm dứt chuyện xuyên tạc lịch sử, nên trả lại lễ đóng ấn cho nhà Trần. Chính quyền các cấp không nên tham gia vào việc này nữa.

PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản: Đừng Nhà nước hóa lễ hội

Vấn đề chúng ta đang gặp phải thực chất chỉ là mặt trái của "tấm huân chương". Khai ấn chỉ là một trong những phương thức hoạt động, một phương tiện để đạt đến cái cao hơn là thực hành đạo thờ cha ông. Đó chính là bản sắc văn hóa dân tộc rất riêng của Việt Nam. Người quyết định tồn tại hay không là chủ thể sáng tạo ra nó, tức là cộng đồng. Không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính vào văn hóa dân gian, vì nếu thế sẽ thất bại, không thể dùng biện pháp cấm để xử lý vấn đề này. Việc xin ấn đáp ứng một nhu cầu tâm linh của đông đảo cộng đồng trong xã hội, miễn là nguyện vọng ấy không trái với pháp luật, trái với đạo lý của người Việt Nam. Nhưng những hành động nào thương mại hóa thì nên bỏ. Đừng Nhà nước hóa lễ hội. Di sản của dân thì trao lại cho dân.

TS. Trần Mạnh Quảng, Chủ tịch Hội đồng Trần Tộc Việt Nam, Nam Định: Đây còn là hoạt động nhằm nâng cao tinh thần yêu nước

Khai ấn là truyền thống văn hóa, dựng nước và giữ nước, thể hiện nguyện vọng của người dân chứ không chỉ là chuyện linh thiêng. Không thể vì chuyện chen lấn mà xóa đi hình ảnh hàng trăm năm khai ấn nhà Trần. Nên mở rộng không gian để người dân có cơ hội tham gia vì diện tích Đền Trần còn hàng chục héc-ta.

Việc mua bán ấn khiến mất nhiều thời giờ, nên thay bằng việc mua phiếu vào đền. Không có lý do gì để thay đổi giờ phát ấn, đó là giờ linh thiêng theo quan niệm tâm linh của người Việt. Vì chúng ta chưa mở rộng diện khai ấn nên mới dẫn đến tình trạng trên. Chen lấn còn thể hiện đỉnh cao sự ham muốn của nhân dân, mà trên thế giới cũng là chuyện thường xảy ra tại các lễ hội. Đây là hoạt động còn nhằm nâng cao tinh thần yêu nước chứ không chỉ là chuyện tổ chức cho vui. Tại sao lại tước đi sự thiêng liêng ấy khi đó là ý nguyện của nhân dân?

Ông Trần Chiến Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL: Nên giãn thời gian  xin ấn, phát ấn

Nếu có thống kê thì thống kê xem 15.000 ấn được phát ra, 15.000 người nhận thì có bao nhiêu người thăng tiến, bao nhiêu người khuynh gia bại sản... Thống kê chưa hoàn chỉnh nên chưa làm cho xã hội thấy được sự cuồng tín này đi đến đâu.                      

Lễ khai ấn là tiêu điểm của lễ hội mùa xuân trong lễ hội Đền Trần. Nhưng chúng ta đã quá chú trọng vào lễ khai ấn và phát ấn. Còn phần tiền lễ, hậu lễ không trở thành điểm thu hút đối với người dân. Đề nghị lễ hội Đền Trần năm 2012 nên có thêm những hoạt động văn hóa rộng lớn hơn như: lễ rước cá, tôn vinh nghề thủy sản..., vì lễ hội sông nước gắn liền với triều Trần. Nên tổ chức phát ấn ở không gian rộng chứ không cứ phải làm trong hậu cung chật chội mà chỉ những người có chức trách mới được vào. Và nên giãn thời gian xin ấn, phát ấn, có thể diễn ra trong vòng cả tháng Giêng, bất kể ai về Đền Trần cũng có thể có ấn.    

GS.TS Trần Lâm Biền: Cần bàn để thoát khỏi vấn đề khủng hoảng văn hóa

Chúng ta nên quan tâm ý kiến nhiều chiều. Cần tiếp cận lịch sử bằng chính những di sản văn hóa. Không nhất thiết dựa trên chữ nghĩa để nói đến những chứng thực lịch sử. Nhiều nơi cũng không có sử thành văn để nghiên cứu. GS. Trần Quốc Vượng đã có lần bảo tôi: “Có một lối nghiên cứu lịch sử vô văn bản, đòi hỏi có sự hội tụ của nhiều ngành để đi tìm một chân lý”. Không thể nào ngăn cấm được phát ấn. Người Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh tạm quên tất cả những gì thuộc truyền thống văn hóa. Tinh thần cân bằng con người mới tồn tại.

Khi lễ hội được mở, đã giải quyết một phần nào vấn đề này, đó là điều tích cực. Hiện tượng phát ấn Đền Trần là yêu cầu của một bộ phận nhân dân. Tất nhiên khi cái gì phát triển bồng bột thì sẽ có những hạn chế phát sinh, nhưng đó chẳng qua là sự khủng hoảng nhất thời trong bước phát triển. Vì vậy, chúng ta cần bàn là làm sao để thoát khỏi vấn đề khủng hoảng, chứ không thể xóa bỏ phát ấn.../.