Đang yên ổn cố gắng, nỗ lực, tâm huyết với công việc, bỗng dưng một cán bộ thi hành án thuộc Cục THADS tỉnh Hưng Yên bị "tố" chưa đủ điều kiện dự thi tuyển công chức. Câu chuyện gần 20 năm trước của người cán bộ này, chưa biết có “oan sai” hay không nhưng khiến chúng ta giật mình về công tác tuyển dụng nhân sự.

vov__ong_khanh_aady.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Khanh (phải), Phó Cục trưởng Cục THADS Hưng Yên trao đổi về trường hợp công chức không đủ điều kiện dự thi

“Hồi đó, tôi nộp hồ sơ và được tiếp nhận. Khi ấy tôi có bằng cấp, chứng chỉ thế nào thì nộp thế đó rồi trúng tuyển và đi làm cho đến ngày nay. Liên tục phấn đấu, tâm huyết, cống hiến… Giờ có chuyện nói khi đó tôi không đủ điều kiện hồ sơ thì thật tôi cũng không biết nói thế nào nữa”. Ông NTA chia sẻ.

Qua kiểm tra, xác minh tại Sở GD –ĐT Hải Dương hội đồng thi nơi ông NTA dự thi tốt nghiệp THPT trả lời học sinh có tên tuổi trên có tên trong danh sách tốt nghiệp lưu trữ tại Sở này năm 2001. Quyết định tuyển dụng công chức của Giám đốc Sở Tư pháp Hải Hưng năm 1996, cũng ghi rõ việc tiếp  nhận ông NTA tốt nghiệp lớp đánh máy được hưởng lương của ngạch đánh máy.

Qua đó thể hiện rõ điều kiện được tiếp nhận công tác ông NTA phải tốt nghiệp lớp đánh máy.

Trao đổi với PV/VOV.VN về trường hợp chưa đủ điều kiện tuyển dụng này, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên xác nhận tại hồ sơ cán bộ cũng thể hiện thời điểm năm 1996 cán bộ này tốt nghiệp THCS.

Theo vị Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên, năm 1996, lần đầu tiên Sở Tư pháp tổ chức thi tuyển công chức cho các cơ quan thi hành án.

Tại thời điểm kiểm tra hồ sơ cán bộ của ông NTA, có bằng tốt nghiệp THCS, sơ yếu lý lịch khai học nghề đánh máy chữ lớp do Văn phòng UBND tỉnh Hải Hưng mở nhưng không thấy có chứng chỉ đánh máy.

Ông NTA chỉ cung cấp được một văn bản xác nhận của ông Nguyễn Trung Tất, nguyên trưởng phòng THA tỉnh Hải Hưng là ủy viên Hội đồng thi tuyển công chức, viên chức Nhà nước của Sở Tư pháp Hải Hưng về việc nhận hồ sơ thi tuyển của ông NTA trú tại Hải Dương kèm theo chứng chỉ đạt trình độ  đánh máy chữ của khóa học 3 tháng theo đúng quy định.

“Việc tuyển dụng khi đó, theo tôi nghĩ quy định thi tuyển cũng phải như bây giờ là phải nộp hồ sơ dự  tuyển và phải được hội đồng tuyển dụng chấp nhận hồ sơ để cho dự thi tuyển ”, ông Khanh nói.

“Để bình luận hồ sơ của cán bộ này nộp tuyển dụng có đúng hay không thì đến nay chúng tôi không có tài liệu chứng minh trước đây thế nào. Không có hồ sơ ban đầu của hội đồng tuyển dụng. Chỉ biết thể hiện trên hồ sơ rằng đồng chí này được hội đồng thi tuyển chấp nhận hồ sơ dự tuyển được cho thi tuyển và đã trúng tuyển được tiếp nhận vào cơ quan thi hành án”.

Theo ông Khanh, thi hành án (THA) là một trong những công việc khó khăn nhất của các công việc thuộc cơ quan nhà nước. Trong những năm đầu khi cơ quan thi hành án mới được tái lập (tách từ tòa án sang cơ quan chính phủ) nhân lực ở các địa phương làm công tác thi hành án không nhiều, đặc biệt là đội ngũ chấp hành viên nguồn khó khăn. Do vậy, Thông tư 555/TT-THA ngày 10/6/1993 của Bộ Tư pháp về Hướng dẫn một số vấn đề về công tác dân sự, có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người theo quy định bổ nhiệm của Nghị định 30/CP ngày 2/6/1993 của Chính phủ.

Theo Thông tư 555/TT-THA yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương lập đề án tổ chức Phòng thi hành án thuộc Sở và các Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị, xã gửi về Cục quản lý THADS để Bộ trưởng Tư pháp ra quyết định. Đề án tổ chức cơ quan THA phải nêu rõ cơ cấu của Phòng, Đội, biên chế, số chấp hành viên và các cán bộ làm công tác THA, nguồn và phương án bố trí cán bộ, dự kiến nhân sự để bổ nhiệm chấp hành viên. Thông tư này cũng yêu cầu: Kèm theo đề án, Giám đốc Sở Tư pháp làm thủ tục đề xuất nhân sự gửi Cục trưởng Cục quản lý thi hành án đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Thông tư cũng nêu rõ: “Việc tuyển chọn người mới để đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên hoặc bổ sung cán bộ làm công tác thi hành án cần được thực hiện chặt chẽ, đối chiếu với các tiêu chuẩn chấp hành viên đã được quy định, tránh tình trạng đề nghị bổ nhiệm hoặc đưa vào biên chế ồ ạt, không bảo đảm tiêu chuẩn”.

Như vậy, Thông tư 555/TT-THA hướng dẫn vận dụng bổ nhiệm đối với nguồn chấp hành viên còn bổ nhiệm đối với chuyên viên cán sự theo yêu cầu của PV phía Cục THADS Hưng Yên không đưa ra được văn bản thể hiện đối với các trường hợp này.

“Về trường hợp công chức này, cho đến giờ hồ sơ tài liệu chúng tôi tiếp cận không tìm thấy văn bản thể hiện như thế”, ông Khanh cho biết.

Theo ông Khanh đơn vị tuyển dụng khi ấy là Sở Tư pháp Hải Hưng nên việc tìm lại văn bản chúng tôi không có để tìm lại được. Quá trình chuyển giao hồ sơ đến năm 2007 mới bàn giao sang cơ quan THA nên chúng tôi không có khả năng tìm lại được văn bản đó.

Tìm hiểu của PV/VOV.VN, quá trình làm việc đánh giá công chức hàng năm ông NTA luôn là cán bộ xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, nhiều năm được tặng danh hiệu thi đua, bằng khen của ngành, tỉnh và Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo tính khách quan, uy tín cán bộ, cũng như quyền lợi chính đáng của người lao động, đề nghị Cục THADS Hưng Yên cần sớm vào cuộc phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh làm rõ và công khai minh bạch không chỉ đối với trường hợp hồ sơ tuyển dụng của ông NTA mà còn nhiều trường hợp khác vào thời điểm đó có đúng quy đinh pháp luật./.

Tại Quyết định số 414/TTCC-VC ngày 29/5/1993 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính quy định về tiêu chuẩn chung đối với ngạch đánh máy yêu cầu trình độ: Tốt nghiệp phổ thông trung học. Có chứng chỉ đạt trình độ đánh máy chữ của khoá học 3 tháng. Biết ngoại ngữ ở trình độ A./.