- TPHCM phát hiện gần 300 vụ đầu độc môi trường
- Xử lý vi phạm môi trường phải quyết liệt
- Dùng “lệ làng” xử lý ô nhiễm làng nghề
- Nhà máy điện xả nước bẩn ra sông Bạch Đằng
Sau hơn 10 năm hoạt động, từ một đơn vị thu gom phế liệu nhỏ, Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh (Vĩnh Phúc) mạnh dạn đầu tư Dự án Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án được thực hiện từ năm 2009 và đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Vĩnh Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh, việc đầu tư vào xử lý và tái chế chất thải nguy hại không những góp phần cùng xã hội làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nhằm biến rác thải thành tài nguyên.
Với lợi thế là trung tâm xử lý, tái chế chất thải nguy hại đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, lại được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, của Bộ Tài nguyên Môi trường nhưng doanh nghiệp này vẫn lo lắng: “Sự cạnh tranh về giá giữa các công ty thu gom, xử lý chất thải sẽ khiến các công ty làm thật khó có cơ hội tồn tại trên thị trường xử lý, thu gom và tái chế chất thải”, ông Thành bộc bạch.
Để tạo cho doanh nghiệp hoạt động lành mạnh trong lĩnh vực môi trường, cơ quan chức năng cần phải có sự giám sát chặt chẽ |
Thống kê cho thấy, năm 2011, cả nước có gần 100 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội….
Để có đầu vào, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá thành ở mức thấp nhất để thu gom rác thải. Tất nhiên, khi hạ giá thành với mức thấp, các doanh nghiệp này chỉ giữ lại rác thải có thể tái chế, sử dụng, còn đối với loại rác không giá trị, doanh nghiệp lén lút chôn lấp hoặc đổ thẳng ra môi trường.
Điển hình cho những hành vi cạnh tranh thiếu minh bạch trong việc thu gom, xử lý chất thải là trường hợp của Công ty TNHH Tân Phát Tài (trụ sở tại phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Công ty này được cấp phép hành nghề vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại từ năm 2007. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đã thuê hẳn 10.000m2 đất của một công ty khác để đào hố chôn lấp bùn thải nguy hại. Ngoài ra, qua kiểm tra, công ty này còn thu gom hơn 1.000 tấn chất thải nguy hại không được phép tiêu hủy và hơn 6.000 tấn chất thải nguy hại không nằm trong giấy phép xử lý của doanh nghiệp này.
Hay như trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước–Môi trường Bình Dương. Khi thanh tra môi trường công ty này đã phát hiện 41.000m3 nước rỉ rác đang chứa trong hồ có nguy cơ tràn ra môi trường trong mùa mưa. Ngoài ra, xí nghiệp không có khả năng xử lý gần 8.000 tấn chất thải rắn nguy hại đã thu gom về bãi rác.
Điều đáng nói, trong khi năng lực có hạn với hai lò đốt rác với công suất chỉ có thể xử lý hơn 20 tấn/ngày đêm, công ty này vẫn mạnh dạn “gánh” thêm chất thải nguy hại từ Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM… về xử lý.
Một điều đáng bàn ở đây, khi nhiều doanh nghiệp năng lực yếu, hoạt động trong lĩnh vực nhiều nhạy cảm, khi vi phạm, các doanh nghiệp này chỉ bị xử lý nhẹ nhàng. Điều này không chỉ làm cho việc xử phạt trở nên vô tác dụng mà vô hình chung còn làm cho các doanh nghiệp làm thật luôn có cảm giác bi quan và trơ trọ.
Bộ sẽ kiểm tra chặt việc cấp giấy phép
Nếu tính về hoạt động thu gom, xử lý và tái chế chất thải công nghiệp, Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Xanh vẫn thuộc vào dạng trẻ trong lĩnh vực này. Bởi vậy mà ông Đỗ Vĩnh Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty vẫn cảm thấy lạc quan. Ông Thành cho rằng, “hữu xạ tự nhiên hương”, khi mình làm tốt, làm thật thì tất yếu các tập đoàn, khu công nghiệp sẽ tự tìm đến công ty để phối hợp trong việc xử lý chất thải. Tuy nhiên để làm được điều này, ông Thành cũng cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần quản lý chặt chẽ, xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm để những công ty có “tâm” với môi trường không bị thiệt thòi.
Trong trả lời phỏng vấn VOV Online mới đây Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, sắp tới Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ thắt chặt quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý và tái chế chất thải. Đối với các doanh nghiệp vận chuyển thu gom chất thải hết thời hạn cấp phép, Bộ sẽ không gia hạn thêm. Còn đối với những doanh nghiệp thu gom, xử lý và tái chế chất thải Bộ sẽ có sự kiểm tra, giám sát trước khi cấp phép.
Trong thời kỳ đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì hoạt động thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là chất thải nguy hại đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để vấn đề xã hội hóa bảo vệ môi trường phát triển lành mạnh, ngoài cái “tâm” của doanh nghiệp, cơ quan quản lý môi trường thắt chặt quản lý. Có như vậy, không chỉ môi trường sống được đảm bảo và chính các doanh nghiệp cũng sẽ chuyên tâm hơn trong hoạt động thu gom và xử lý chất thải./.