Ngày Nước thế giới năm nay (22/3) có chủ đề “Nước cho phát triển đô thị”. Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 60% đô thị có hệ thống cấp nước tập trung. Vậy chúng ta cần làm gì để quản lý hiệu quả tài nguyên nước?

Ông Lê Văn Hợp,Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, người phát ngôn của Bộ TN&MT:Người dân phải có ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước

PV:Việt Nam có những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay, thưa ông?

Ông Lê Văn Hợp: Ngay từ tháng 2/2011, Bộ TN&MT đã có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hoạt động thiết thực kỉ niệm Ngày Nước thế giới. Đồng thời, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm vào ngày 22/3.

Các hoạt động hưởng ứng bao gồm: hội thảo khoa học về chủ đề “Nước cho phát triển đô thị”, chương trình văn nghệ chủ đề “Dòng sông quê hương”, triển lãm tranh, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, tư liệu khoa học về đề tài nước. Đặc biệt, trong ngày 22/3, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có khối diễu hành bằng xe đạp của học sinh, sinh viên ra quân khơi thông các dòng nước ở khu vực thành phố. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng chỉ đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước xây dựng các phóng sự, các chương trình quảng cáo, tọa đàm trực tiếp, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tích cực tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, từ đó thay đổi hành vi trong khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này.

PV: Ông có nhận xét gì về tình trạng sử dụng nguồn nước ở các khu đô thị của nước ta hiện nay?

Ông Lê Văn Hợp:Nước sạch ở các khu đô thị đang bị sử dụng một cách lãng phí. Nguyên nhân, thứ nhất là do hệ thống cấp nước ở một số đô thị ở Việt Nam đã quá cũ, cần phải đầu tư lại để hạn chế đến mức thấp nhất việc rò rỉ, thất thoát nước. Thứ hai, người dân vẫn chưa có ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Vì thế cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

PV: Còn vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở các đô thị của Việt Nam hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hợp:Việc ô nhiễm nguồn nước ở các khu đô thị hiện nay đã đến mức báo động. Ô nhiễm trong khu đô thị còn lan cả sang vùng dân cư ven đô. Trước đây, khi đô thị chưa phát triển mạnh, những vùng nông thôn ven đô còn có thể chịu tải được sự ô nhiễm nhưng nay thì sự ô nhiễm đã quá sức chịu tải.

Nguyên nhân có nhiều, trước hết là vấn đề quy hoạch. Các khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, khu dân cư khi xây dựng chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước thải. Vì vậy, nước thải không được xử lý triệt để. Tỷ lệ nước thải qua xử lý ở các khu này chỉ đạt 30-40%, còn lại chưa qua xử lý đổ thẳng ra môi trường. Các con sông lớn trong đô thị phần lớn đều bị ô nhiễm nặng.

Hiện nay ở một số thành phố lớn đang cố gắng đầu tư cho việc xử lý ô nhiễm. Ví dụ như Hà Nội đang đầu tư một loạt hệ thống xử lý nước thải, trong đó có việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Yên Sở (quận Hoàng Mai). Bên cạnh đó, cần quyết liệt yêu cầu các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường.

nuoc-sach.jpg

PV: Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay được LHQ chọn là “Nước cho phát triển đô thị”. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào trước thực trạng khai thác và sử dụng nguồn nước của Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Văn Hợp:LHQ chọn chủ đề “Nước cho phát triển đô thị” là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là quốc gia không giàu về tài nguyên nước, thậm chí còn cận kề với tình trạng thiếu nước trong tương lai. Việt Nam đang đối mặt với sự phát triển và sự gia tăng dân số nhanh chóng ở các khu đô thị.

Theo thống kê đến năm 2009, cả nước có 749 đô thị từ loại 5 trở lên. Cứ trung bình, 2 tháng có thêm một đô thị mới. Dự báo trong tương lai, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đô thị. Đô thị phát triển, dân số gia tăng tạo áp lực lớn trong việc cung cấp nguồn nước. Trong khi đó, nước ngầm ở các khu đô thị không nhiều. Nước mặt thì đang bị ô nhiễm.

Trước thách thức đang gia tăng, chúng ta phải có những biện pháp đồng bộ mới giải quyết được vấn đề cung cấp nước cho đô thị. Hiện, Bộ TN &MT đang chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thiện đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị. Theo đề án, nguồn nước 9 đô thị lớn: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa - Vũng Tàu và Mỹ Tho được đề xuất bảo vệ. Bộ đã và đang cùng các tỉnh triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và vùng lãnh thổ gồm lưu vực sông Mã, Cả, Lô, Gâm, Đồng Nai, Ba, Cầu, Hương, các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, vùng Cực nam Trung Bộ, vùng bán đảo Cà Mau và đảo Phú Quốc.

Các kết quả nghiên cứu quan trắc mới nhất cho thấy, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nguồn nước dưới đất đang có những dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn. Mực nước của các tầng chứa nước khai thác bị hạ thấp liên tục theo thời gian. Điển hình như Hà Nội, mực nước tầng chứa Pleistoxen hạ thấp với tốc độ 0,4m/năm; TP.HCM là 0,6m/năm; Cà Mau là 1m/năm... Sự nhiễm bẩn nguồn nước ngầm quan sát được ở các thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Hới, TP HCM...; lún sụt nền đất ở TP HCM, vùng Hoài Đức (Hà Nội), Cam Lộ (Quảng Trị)...

PGS. TS Phạm Quý Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, Bộ TN&MT: Tăng cường quy hoạch và điều tra nguồn nước

Các đô thị, nhất là các đô thị lớn ở Việt Nam đang đối mặt với sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó là sự ô nhiễm nguồn nước. Từng đô thị đối mặt với sự ô nhiễm nguồn nước khác nhau. Một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ, nguồn nước bị ô nhiễm asen, amoni, một số đô thị ven biển thì đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước vẫn là việc khai thác và sử dụng nguồn nước chưa hợp lý, việc xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Do khai thác nước chưa hợp lý còn dẫn đến vấn đề sụt lún mặt đất.

Để quản lý có hiệu quả nguồn nước, chúng ta phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng. Được biết, Bộ TN&MT đã xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tăng cường công tác quy hoạch và điều tra, đánh giá thực trạng tài nguyên nước để việc quản lý nước thời gian tới được tốt hơn.

Bà Trần Thị Huệ, Cục Quản lý Tài nguyên nước: Sớm hoàn thiện hệ thống cấp nước ở các đô thị

Để bảo vệ hiệu quả nguồn nước dưới đất, góp phần bảo đảm an toàn, bền vững các hệ thống cấp nước đô thị, ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước cần phải tăng cường thực hiện một số giải pháp sau: Xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị; Việc quy hoạch công trình khai thác nước, hệ thống cấp nước đô thị cần có sự tham gia, phối hợp, thống nhất với cơ quan quản lý tài nguyên nước; Quản lý, giám sát chặt chẽ các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất ở các đô thị (từ khâu thiết kế, lập đề án thăm dò, thi công đề án, lắp đặt công trình khai thác và trong quá trình khai thác sử dụng nước).

Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng khai thác, phân tích chất lượng nước và báo cáo định kỳ quá trình khai thác theo quy định của pháp luật tài nguyên nước. ở các vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất, cần nhanh chóng thực hiện việc rà soát, xử lý trám lấp các giếng không sử dụng; khoanh định các vùng hạn chế/cấm khai thác; lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước dưới đất và từng bước xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất địa phương, khu vực.

Các vùng có hiện tượng suy giảm mực nước, chất lượng nước cần xây dựng phương án giảm thiểu hoặc nghiên cứu giải pháp cấp nước khác thay thế. Ngoài ra, cần sớm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cấp nước ở các đô thị để hạn chế việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ lẻ nhằm bảo vệ tài nguyên nước./.

Tôi khẩn thiết kêu gọi các chính phủ nhận thức được rằng, khủng hoảng nước đô thị - cuộc khủng hoảng về quản lý nhà nước, về các chính sách yếu kém và sự quản lý kém cỏi, không phải cuộc khủng hoảng về khan hiếm nước. Đồng thời, chúng ta nguyện sẽ đảo ngược sự thiên lệch đầu tư quá đáng theo đầu người về nước và vệ sinh. Chúng ta cũng cùng nhau khẳng định lại cam kết của mình về việc chấm dứt tình cảnh khốn khó cho hơn 800 triệu con người trong một thế giới phồn vinh lại đang phải chịu thiếu nước uống hoặc điều kiện vệ sinh - những yếu tố thiết yếu cho cuộc sống, sức khỏe và phẩm cách của họ. (Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2011).