Nhiều doanh nghiệp “trốn” quy định về ĐTM

Công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong phát triển kinh tế - xã hội được nhiều nước trên thế giới hết sức chú trọng. Đây là quá trình dự báo các tác động của hoạt động phát triển nhằm ngăn ngừa các tác động xấu đến môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, công tác ĐTM đã được pháp lý hoá tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 và tiếp tục được hoàn thiện tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005.

Với công cụ ĐTM, công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường đã đạt được những kết quả nhất định.

Theo ông Mai Thanh Dung – Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động của môi trường – Tổng cục Môi trường, trong 5 năm qua, thông qua công tác thẩm định, một số dự án đã bị từ chối vì không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường như: Dự án Nâng công suất nhà máy bia của Công ty Cổ phần Bia Nghệ An; Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 (Cần Thơ); Dự án mở rộng, nâng cao công suất của Công ty Vedan tại Đồng Nai…

moi-truong.jpg

Nhiều doanh nghiệp còn chưa xem trọng công tác đánh giá tác động môi trường (Ảnh: MH)

Tuy nhiên, ông Dung cũng cho rằng, các quy định của ĐTM đã bộc lộ những tồn tại, bất cập so với thực tế khi nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo ĐTM, đặc biệt là trong công tác xây dựng, lắp đặt các công trình bảo vệ môi trường.

Bổ sung cho vấn đề này, ông Phạm Danh – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho rằng, nhiều doanh nghiệp xem ĐTM chỉ là hồ sơ liên quan như: Giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để hoàn thành thủ tục của dự án, nên họ sẽ không quan tâm đến những cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đưa ra.

Lý giải cho hiện tượng trên, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Việt Nam cho rằng, do chất lượng báo cáo ĐTM của nhiều dự án còn thấp. Công tác sau thẩm định ĐTM chưa được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý quan tâm đúng mực. “Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM tại các Bộ, ngành hầu như không thực hiện”, ông Thanh nhấn mạnh.

GS.TS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận xét, hiện không ít chủ đầu tư “trốn” các quy định về ĐTM.

Còn một số doanh nghiệp giao hoàn toàn việc lập báo cáo ĐTM cho đơn vị tư vấn. Nhưng chính các đơn vị này có nhiều hạn chế trong khả năng lập báo cáo thẩm định, thiếu khảo sát thực tế, không liên hệ chặt chẽ với chủ đầu tư.

Đấy là chưa kể đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị tư vấn cũng hết sức đáng báo động. Một bộ phận không nhỏ đơn vị tư vấn cam kết rất nhiều nội dung trong báo cáo ĐTM, trong khi nội dung cam kết không thực sự có ý nghĩa với công tác quản lý môi trường, mà chỉ với mục tiêu báo cáo ĐTM được phê duyệt một cách nhanh chóng.

Đối với Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM tại địa phương, bà Chi cho rằng, còn thiếu nhiều chuyên gia am hiểu về công nghệ và thiết bị thuộc dự án nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá thẩm định. Họ cũng không đi khảo sát thực địa khu vực dự án mà chỉ làm việc trên hồ sơ, dẫn tới kết quả thẩm định không chính xác.

Một vấn đề hết sức quan trọng trong việc thẩm định dự án là lấy ý kiến của cộng đồng dân cưtại khu vực dự án. Nhưng vấn đề này theo bà Chi đang còn mang tính hình thức, ít hiệu quả. Nhiều địa phương còn thay đổi cơ bản ý nghĩa của nội dung tham vấn cộng đồng….

Luật và ĐTM cần có sự lồng ghép hài hoà

Tại Hội nghị Quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết cam kết bảo vệ môi trường do Bộ TN&MT tổ chức ngày 4/11, nhiều ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác ĐTM nhằm phát huy tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án.

Ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị, cần đánh giá kết quả thực hiện ĐTM hiện nay cũng như thực hiện tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường hoạt động đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức về ĐTM, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện quản lý nhà nước về ĐTM ở các Bộ, ngành và địa phương để kịp thời chấn chỉnh sai phạm, tồn tại và hạn chế trong công tác này.

Còn ông Phạm Danh cho rằng, Bộ TN&MT cần xem xét trong nội bộ ngành để lồng ghép các quy định về bảo vệ môi trường với các quy định về tài nguyên. Cần kiến nghị Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành các Luật đầu tư, Xây dựng, Bảo vệ môi trường… để có sự lồng ghép và hài hoà với nhau.

Ông Lương Y Dược – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến, Bộ TN&MT cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa đối với hoạt động sau thẩm định ĐTM để bảo đảm các dự án phải được kiểm tra, xác nhận sau thẩm định trước khi đi vào hoạt động.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng có nhiều dự án đầu tư, triển khai gần khu vực biên giới. Các dự án này tiềm ẩn những tác động xấu đến môi trường của các quốc gia lân cận. Ngoài việc phải có tiêu chí đánh giá, dự báo để những có những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, GS.TS Đặng Kim Chi kiến nghị, Bộ TN &MT cần phải xây dựng ĐTM theo quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận tới chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay./.