Năm 2013, diện tích rừng bị chặt phá và lấn chiếm trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là hơn 340 ha, nâng tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị chiếm trái phép lên hơn 12.000 ha (tính từ năm 2005 đến nay). Trong đó, có cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia, nhưng bị chiếm nhiều nhất là diện tích rừng thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp, chiếm gần 70%.
Tỉnh Đắk Lắk có 15 công ty lâm nghiệp, được giao quản lý bảo vệ hơn 196.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Do không có chỉ tiêu khai thác gỗ, việc sản xuất lâm nghiệp gặp khó khăn, năm 2013, các doanh nghiệp này tiếp tục giảm doanh thu và thu nhập, trong đó có 8 đơn vị giảm hơn 50% doanh thu, thua lỗ gần 10 tỷ đồng. Tình trạng nợ lương, bảo hiểm của người lao động dẫn tới ngày càng cắt giảm lao động, năng lực quản lý bảo vệ rừng ngày càng yếu.
Tại Hội nghị trực tuyến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sáng 31/12, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Những năm trước đây, có chính sách khai thác rừng tự nhiên để nuôi bộ máy để làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã dừng lại việc khai thác rừng tự nhiên nên các công ty không có nguồn hoạt động, các đơn vị đã bán tất cả những gì tích luỹ được để trả lương và nợ ngân hàng, quản lý rừng kém hiệu quả. Vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ nên có chương trình sớm sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp theo các mô hình cụ thể, để xem đơn vị nào không tồn tại, đơn vị nào tồn tại để khôi phục và có hướng phát triển, nếu để như hiện nay thì diện tích rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng./.