Ngày 4/12, tại Hà Nội, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phối hợp với Trung tâm Sinh học Nông nghiệp Quốc tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo dự án quốc tế lần thứ 2 của Dự án “Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ khu vực Đông Nam Á” (gọi tắt là Dự án IAS). Dự án có sự tham gia của 4 quốc gia gồm: Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

oc-buou21.jpg
Ốc bươu vàng hại lúa (Ảnh minh họa)

Sinh vật ngoại lai xâm hại (SVNLXH) được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học ở trên toàn cầu, ảnh hưởng tới sự phát triển nhiều ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và cả tới sức khỏe con người.  

Một trong những bài học đắt giá về SVNLXH tại Việt Nam chính là ốc bươu vàng. Ngoài ra, còn có rất nhiều đối tượng khác thuộc danh mục đã được quốc tế cảnh báo như Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ... cũng đã xuất hiện nhiều tại nước ta. Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), số lượng thực vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lai. Chúng đã và đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây ảnh hưởng bất lợi về nông nghiệp, sinh kế địa phương.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Mục tiêu cụ thể của dự án là củng cố hệ thống thể chế, chính sách và tăng cường năng lực quản lý SVNLXH; nâng cao nhận thức cộng đồng đối với vấn đề SVNLXH. Với sự tham gia của 4 quốc gia và 5 hợp phần thí điểm, dự án IAS là nền tảng quan trọng để hỗ trợ trao đổi thông tin và xây dựng năng lực giữa các quốc gia, đặc biệt là trong việc kiểm soát các loài sinh vật xâm hại. Thông qua hợp tác quốc tế, chúng ta có thể phát triển và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các loài xâm lấn ở Đông Nam Á.

Theo đó, dự án IAS tập trung thực hiện 5 hợp phần gồm: Hỗ trợ khung pháp lý và chính sách quốc gia về quản loài ngoại lai xâm hại; tăng cường hợp tác khu vực về quản lý các loài ngoại lai xâm hại; hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý các loài ngoại lai xâm hại; Thử nghiệm trình diễn về kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai điển hình (loài Trinh nữ móc Mimosa Diplotriocha), Thực hiện chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại.

Dự án được thực hiện trong 4 năm (2012-2015)./.