Ngày 26/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển tổ chức kỳ họp thứ 5 nhằm nhằm đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước và việc triển khai thực hiện đề án tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, từ khi triển khai đề án đến nay, 18 dự án đã được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ và đem lại hiệu quả cao như: Dự án “Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam” đã trình cho Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên Hợp Quốc; “Điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên, vị thế, kỳ quan sinh thái, địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam”; “Xây dựng hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên-môi trường và các vùng biển Việt Nam”...
Các dự án cung cấp những luận cứ khoa học, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu các kết quả điều tra tài nguyên-môi trường biển. Một số kết quả điều tra đã cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương ven biển trong việc hoạch định các chính sách, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội. Qua các dự án góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, việc triển khai các dự án thuộc đề án tổng thể còn chậm, kết quả thực hiện dự án chưa cao; công tác chuẩn bị các dự án chưa đầy đủ; công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển chưa có sự kết hợp giữa các cơ quan chủ trì dự án và cơ quan phối hợp thực hiện.
Sau hơn 4 năm thực hiện đề án vẫn chưa có một cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy thực hiện đề án; không có cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định, đánh giá sản phẩm dự án.
Khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam kiến nghị phải có một cơ quan, một bộ đầu mối đứng ra để cùng các các bộ chuyên ngành cùng thẩm định, đánh giá. Nếu như dự án triển khai không hiệu quả hoặc quá chậm tiến độ có thể kiến nghị dừng hoặc thay đổi mục tiêu, nội dung cho phù hợp. Phải có cơ chế giám sát nếu không Nhà nước đầu tư nhiều nhưng không thu được kết quả như mục tiêu đề ra.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung, tình hình triển khai các dự án trong Đề án 47 còn chậm.
Phó Thủ tướng đề nghị, Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu trình tự thủ tục để quy trình xét lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai tiến hành thuận lợi, đơn giản hóa, đạt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các chủ dự án, chấn chỉnh tình trạng chậm tiến độ; khắc phục tình trạng lúng túng trong triển khai, phối hợp giữa các cơ quan chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng chậm tiến độ hiện nay.
Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo cần thường xuyên cập nhật cung cấp thông tin cho các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước, đặc biệt là công tác thông tin về rà soát tiến độ thực hiện các dự án. Các chủ dự án cũng cần tập trung vào các dự án còn khó khăn hiện nay đảm bảo tiến độ, và báo cáo Ban Chỉ đạo thường xuyên trên tinh thần ưu tiên tối đa cho các dự án trọng điểm./.