Từ giữa thế kỷ 20, đặc biệt từ năm 1980 trở lại đây, hoạt động của con người làm gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ trái đất tăng. Sự nóng lên toàn cầu biểu hiện của sự tăng nhiệt độ không khí, sự tan băng diện rộng dẫn tới việc tăng mực nước biển trung bình toàn cầu.

Trong 100 năm (1906-2005), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,740C, tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gấp đôi so với 50 năm trước đó, theo dự báo cuối thế kỷ 21, có thể sẽ tăng từ 1,1 độ C đến 6,4 độ C.

biendoi.jpg
Biến đổi khí hậu - nước biển dâng ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL (Ảnh:Saigontimes)

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai.

Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Theo tính toán của ông Nicholas Stern – thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế về BĐKH thì trong 10 năm tới, toàn thế giới sẽ thiệt hại khoảng 7.000 tỷ USD do hiện tượng trái đất ấm lên.

Nói đến mối hiểm họa của BĐKH, ông G.H Brintoran – Chủ tịch Ủy ban Môi trường Thế giới thốt lên rằng: “Trừ chiến tranh hạt nhân ra thì sự BĐKH là mối đe dọa lớn nhất đối với loài người. Nó không những đe dọa sự tồn vong của loài người mà còn uy hiếp cả tương lai của trái đất”.

Theo các chuyên gia, với sự ấm lên toàn cầu hiện nay thì trong vòng 30-50 năm tới, đảo quốc nhỏ bé Tuvalu ở Thái Bình Dương đang có nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn. Bên cạnh Tuvalu, một số quốc gia nhỏ bé khác như: Kiribati, Vanuatu và quần đảo Marshall cũng được xem là những khu vực nguy hiểm.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là 1/3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). BĐKH hiện hữu ở nước ta, có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn.

BĐKH đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp: diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đặc biệt là một phần đáng kể ở ĐBSCL, ĐBSH và các vùng đất thấp đồng bằng ven biển bị ngập mặn do nước biển dâng, tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

BĐKH với những tác động ngày một gia tăng, khó lường ở nhiều lĩnh vực, địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường; làm tăng khả năng bị tổn thương, là nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được.

Đối phó với BĐKH nên làm quy trình ngược

Đối với Việt Nam, trong 50 năm qua (1958- 2007) nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 0,5 độ C đến 0,7 độ C.
Các nguy cơ, rủi ro do BĐHK được tính đến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, ngoài kịch bản BĐKH tổng thể thì các ngành cũng xây dựng kịch bản BĐKH cho riêng mình. Điều này cho thấy sự quan tâm sát sao của Việt Nam trong trong việc ứng phó với sự đổi lớn này. Nhiều vấn đề ứng phó với BĐKH đã được đặt ra, trong đó việc huy động sức mạnh của cộng đồng, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp để ứng phó với BĐKH.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe- Hội Bảo vệ Thiên nhiên-Môi trường Việt Nam, đối với nước ta BĐKH gây ảnh hưởng lớn nhất đến nông nghiệp và tài nguyên nước cho nên nông dân là người bị ảnh hưởng trực tiếp, giúp nông dân ứng phó với BĐKH là điều hết sức cần thiết.

Sự chung tay của cộng đồng trong chống BĐKH đang sẽ không chỉ giúp người dân ứng phó với thiên tai, dịch họa mà còn có thể thực hiện tìm thấy những lợi ích trong sự biến đổi hiện nay.

Ông Trần Duy Khanh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe- Hội Bảo vệ Thiên nhiên-Môi trường Việt Nam phân tích: Đặt ra vấn đề cộng đồng ứng phó với BĐKH là hết sức thiết thực, bởi thực tế trong lịch sử có nhiều biến đổi xảy ra nhưng người dân đã có những sáng kiến để tự thích ứng với những biến đổi đó.

Bởi vậy việc thực hiện sự chung tay của cộng đồng trong chống BĐKH theo ông Hòe chúng ta cần chọn bước đi phù hợp. “Lâu nay chúng ta xây dựng kịch bản BĐKH, rồi từng ngành có kịch bản để ứng phó nhưng mới chỉ tính đến sự thay đổi của lượng mưa, nước biển dâng. Tuy nhiên, tác động BĐKH đối với nông nghiệp và tài nguyên nước không chỉ là tác động trực tiếp của thiên nhiên mà chính do con người. Các ngành khác họ đề xuất ra công trình này, dự án nọ. Chính cái này tác động đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân còn lớn hơn BĐKH”, ông Hòe nói.

Ông Hòe đưa ra ví dụ như việc chúng ta lo ngại tình trạng nước biển dâng nên tính chuyện xây dựng tuyến đê từ Vũng Tàu đến Gò Công, cái đó tác động đến tài nguyên nước và nông nghiệp còn lớn hơn cả biến đổi khí hậu”.

Còn theo ông Trần Duy Khanh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng ứng phó với BĐKH chúng ta nên thử làm quy trình ngược. Ông Khanh lấy thực tiễn từ công tác phòng chống BĐKH ở Thái Bình để thấy rằng, từ lãnh đạo xã trở lên không hiểu về BĐKH. Hiện họ chỉ quan tâm đến cái trước mắt. “Đây là một thực tế”, ông Khanh bộc bạch.

Ông Khanh cho biết, đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo về BĐKH nhưng từ tỉnh đến xã tham dự hội thảo chỉ để biết rằng: “À tại sao nước ngày càng bị nhiễm mặn. Tại sao mùa vụ năm nay khó khăn…”.

Bởi vậy ông Khanh đặt vấn đề, nên chăng đặt vấn đề cộng đồng tham gia ứng phó với BĐKH chúng ta bắt đầu từ chính việc tăng cường nhận thức của người dân. “Chúng ta phải làm ngược lại, bắt đầu từ nhận thức của người dân để làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo từ cấp xã đến tỉnh về BĐKH. Biết đâu biện pháp này thành công”, ông Khanh nêu ý kiến./.