Phú Yên có bờ biển dài gần 190km với nhiều đầm, vịnh và thắng cảnh đẹp. Những năm gần đây, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản ồ ạt, cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư ven biển đang dần biến bờ biển với những danh thắng đẹp của Phú Yên thành những bãi chứa rác khổng lồ. Đây cũng là nguyên nhân làm suy giảm nguồn tài nguyên biển, ảnh hưởng đến trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Dọc khu dân cư ven biển, và các đầm, vịnh như đầm Ô Loan, Cù Mông, vịnh Xuân Đài…hàng chục ngàn lồng bè nuôi tôm hùm, ốc hương, cá mú và những hồ nuôi tôm mọc lên san sát. Việc phát triển vùng nuôi ồ ạt như hiện nay đã và đang tác động xấu đến môi trường. Chất thải từ nuôi trồng thủy sản xả trực tiếp xuống biển làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Hậu quả là dịch bệnh trên tôm hùm, tôm sú liên tiếp xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi trồng thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Tài, ở xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu chỉ tay vào mấy bè tôm nuôi bị dịch đỏ đuôi chết hàng loạt, than thở:
“Mấy năm trước làm ăn rất tốt, nhưng vừa rồi tôm bị dịch chết, đuôi đỏ hết, bây giờ ngư dân ở đây cũng đang điêu đứng”.
Cùng với sự phát triển vùng nuôi ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, thì tập quán, nếp sinh hoạt của một bộ phận dân cư ven biển cũng đã và đang làm cho môi trường biển ở Phú Yên bị xâm hại. Dọc các bãi biển từ khu vực trung tâm thành phố Tuy Hòa đến các huyện Tuy An, Sông Cầu…đâu đâu cũng ngập ngụa rác. Cứ sau mỗi trận mưa lụt, rác thải từ thượng nguồn, các khu dân cư, kết hợp với chất thải từ các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản….chưa qua xử lý, xả thẳng ra biển không chỉ làm mất mỹ quan mà còn bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân ven bờ.
Ông Nguyễn Thuẫn, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, lắm khi ăn cơm, ngủ nghỉ cũng phải đóng kín cửa mà vẫn không tránh được mùi hôi thối từ biển đưa vào.
Kết quả khảo sát chất lượng nước vùng ven bờ và các đầm, vịnh tại Phú Yên cho thấy, các chỉ tiêu về tổng hàm lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng sắt, hàm lượng muối Amoni, nhu cầu oxy hóa học (COD)….đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Đây chính là tác nhân làm suy giảm nguồn tài nguyên biển, trong đó một số loài thủy hải sản như sò huyết, cá ngựa, san hô… đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng này, tỉnh Phú đã triển khai hàng loạt phải pháp khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù như cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục biển đảo tỉnh Phú Yên cho rằng, giải pháp tối ưu để khắc phục những tồn tại hiện nay là xây dựng cho được chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ: “Trên biển thì thấy có nhiều cơ quan tham gia quản lý biển như là ngành Tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch…vì mục đích đơn ngành của mình cứ phát huy mà quên đi lợi ích đa ngành của xã hội. Chính vì vậy, tỉnh Phú Yên đang xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ để quản lý bền vững nguồn tài nguyên biển”.
Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ với cách tiếp cận đa ngành mà tỉnh Phú Yên đang xúc tiến xây dựng, hy vọng sẽ điều hòa được lợi ích các bên, từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá từ biển./.