Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã chủ động triển khai các phương án đối phó. Các địa phương tiếp tục kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; khẩn trương kiểm tra tình hình tại các khu dân cư ven sông, ven biển để tổ chức di dời dân khi cần thiết; đồng thời, chuẩn bị các phương án phòng chống ngập lụt.

5aoso7-4.jpg
Bản đồ dự báo đường đi của bão số 7 - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Sáng nay (4/10), Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra an toàn các công trình hồ đập, chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án di dời dân vùng xung yếu. Các huyện ven biển như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn chủ động tập kết vật liệu tại các hồ chứa nước đã xuống cấp, sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã chủ động lên phương án di dời hơn 1.000 hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn: “Hiện nay, chúng tôi có kế hoạch di dời, riêng Mỹ An và Mỹ Thành đã có cơ sở di dời 1.114 hộ, chúng tôi đã chuẩn bị cho việc di dời. Về phương án hậu cần, chúng tôi đã giao cho các xã chuẩn bị mỳ tôm, nước đảm bảo phục vụ cho bà con nhân dân trong vòng từ  5- 7 ngày.

Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện vừa có cuộc họp khẩn triển khai các phương án phòng chống bão số 7. Theo đó, Đồn biên phòng 328 chủ động phối hợp với các xã kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho các chủ phương tiện biết tọa độ, vị trí cơn bão để thoát khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú tránh an toàn. Đến trưa nay, huyện đảo Lý Sơn vẫn còn 8 tàu cá với 87 lao động đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa đang trên đường tìm nơi trú tránh. Các lực lượng quân sự và công an triển khai các phương án sơ tán dân, sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi bão đổ bộ vào đất liền.

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương không hề chủ quan trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7: “Tập trung các lực lượng theo phương án 4 tại chỗ chuẩn bị di dời mấy hộ này. Nếu di chuyển hướng Tây-Tây Bắc thì phải di dời trước ngày 5/10. Tuy rằng, hiện nay đã có một số hộ dân chất đá kè, nhưng cùng không lường trước cơn bão này”.

Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, triều cường đã làm sạt lở nhiều khu vực ven biển thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà. Riêng tại xóm Gềnh và xóm Cồn Đâu, thôn Thái Dương Hạ, thị xã Hương Trà, bờ biển tiếp tục bị xâm thực, lấn sâu vào tận nhà dân. Nơi bị xâm thực nặng nhất chỉ còn cách biển khoảng 20 mét, 100 hộ dân nơi đây có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn.

Ông Đỗ Khắc Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Chính quyền địa phương đang huy động nhân lực tích cực khắc phục tình trạng sạt lở: “Trong 2 ngày qua, UBND xã huy động mỗi ngày 150 người để chống sạt lở, bằng cách thả 200 rọ đá, 200 khối đá và dùng 4.000 bao cát để chống sạt lở. Xã cũng đang đôn đốc các thôn động viên nhân dân chằng chống nhà cửa, đồng thời rà soát để khi bão đổ bộ vào thì sẽ di dời dân vùng thấp trũng”./.