Được đưa vào vận hành tháng 12/2016 nhưng đến nay mới hơn 1 năm, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên đã bị bong tróc, nứt mặt.

Đây là lần thứ 2 cây cầu này bị hỏng, phải sửa chữa.

lb4_daif.jpg
Cầu vượt nút giao QL5 – Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) lúc mới đưa vào khai thác.

Theo ghi nhận, hiện mặt cầu vượt nút giao QL5 – Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) vừa được đơn vị thi công xử lý, thảm asphalt lại những chỗ bong tróc, nứt vỡ nhưng do việc thi công chưa đạt, nên đã tiếp tục bị bong tróc khi có xe tải trọng lớn đi qua.

Đặc biệt là phần bên cầu theo hướng từ QL5 đi cầu Đông Trù, xuất hiện nhiều vệt bong tróc, hằn lún lớn phía gần đỉnh dốc cầu gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Đại diện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Him Lam cho biết, qua khảo sát, diện tích lún, nứt, bong tróc khoảng 60-70m2 diện tích mặt cầu.

Sau 1 lần phải thảm lại mặt cầu, hiện nay mặt cầu vượt "khủng" này tiếp tục xuất hiện nhiều vết hằn lún, bong tróc, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông. Ảnh: HD.

“Do vừa qua xảy ra mưa lớn, trong khi thoát nước trên mặt cầu không tốt, cộng với xe tải trọng lớn lưu thông với tần suất dày đặc đã tác động đến lớp kết cấu mặt cầu, từ đó gây bong tróc, lún nứt”, vị đại diện chủ đầu tư cho hay.

Theo đại diện chủ đầu tư, trước mắt để đảm bảo giao thông, chủ đầu tư sẽ cho thảm tạm bê tông asphalt các điểm bong tróc, lún. Đồng thời, sẽ mời đơn vị kiểm định độc lập, có uy tín và các chuyên gia khảo sát, đánh giá để tìm giải pháp xử lý triệt để.

"Chủ đầu tư rất nghiêm túc trong việc này, đồng thời sẽ thận trọng trong việc tìm giải pháp xử lý triệt để những vết bóc tróc, nứt mặt cầu vượt Long Biên”.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, việc hỏng mặt cầu do mưa lớn cộng với xe tải trọng lớn di chuyển với tần suất dày đặc đã tác động đến lớp kết cấu mặt cầu.

Trước đó, năm 2017, cầu vượt này cũng đã xuất hiện hằn lún, dồn nhựa bê tông asphalt, chủ đầu tư đã phải tiến hành cào bóc, thảm lại cả hai bên cầu.

Công trình cầu vượt nút giao trung tâm Long Biên được đầu tư theo hình thức BT, do Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.850 tỷ đồng.

Để hoàn thành dự án, nhà đầu tư được UBND TP Hà Nội cho phép khai thác quỹ đất đối ứng gồm 20ha tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), 320ha tại các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên) và bổ sung thêm 135ha ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác.

Cầu vượt có chiều dài 809,7m, bao gồm 1 cầu chính và hệ thống cầu dẫn với kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép ứng lực trước, kết cấu dầm hộp thép bản liên hợp bê tông và được liên kết bằng mối hàn với quy mô này hầu như chưa áp dụng ở Việt Nam.

Liên danh nhà thầu thi công gồm Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thái Sơn, Cienco 1 và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai.

Được biết, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên vẫn trong thời gian bảo hành. Do đó, mọi chi phí sửa chữa, khắc phục sẽ do nhà đầu tư chi trả.

Tuy nhiên, một cây cầu lớn, xuất đầu tư gần 3.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, mới đưa vào khai thác chưa lâu mà liên tục bị bong tróc, hỏng mặt cầu khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng của công trình này./.