“Việt Nam nên sử dụng luật pháp của mình để kiện Bio-Rad”. Đây là đề xuất của ông Trần Đình Hoành, một luật sư người Mỹ gốc Việt, trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Mỹ về nghi án công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Mỹ, Bio-Rad hối lộ 2,2 triệu USD cho quan chức các nước, trong đó có Việt Nam. Trong vụ việc này, Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ cho biết công ty Bio-Rad buộc phải nộp phạt 55 triệu USD.

ls_tran_dinh_hoanh_jaar.jpgLuật sư Trần Đình Hoành

PV:Thưa ông, Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã quyết định cho công ty Bio-Rad nộp phạt, đồng thời truy thu số tiền bất hợp pháp của công ty này, dù khoản hối lộ của Bio-Rad là rất lớn, lên đến hàng triệu USD. Vậy theo luật Mỹ, trong những trường hợp như thế này thì khi nào sẽ xử lý hình sự và khi nào sẽ xử lý hành chính?

Luật sư Trần Đình Hoành: Trường hợp nộp phạt của Bio-Rad không hẳn là xử lý hành chính. Thông thường tại Mỹ, nếu có Bộ Tư pháp nhúng tay vào thì mọi vụ việc đều trở thành hình sự. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này thì không thể đưa công ty vào tù được mà chỉ có thể yêu cầu nộp tiền phạt.

Theo luật Mỹ thì số tiền phạt tối đa thường vào khoảng 5 lần lợi tức ước tính công ty hối lộ thu được. Nếu xử phạt cá nhân, chẳng hạn như các lãnh đạo công ty thì khung hình phạt tối đa có thể lên tới 20 năm tù. Tuy nhiên, từ trước đến nay thì các vụ xử lý hình sự để đưa lãnh đạo các công ty vào tù ít xảy ra hơn so với các vụ phạt tiền. Có nhiều lý do dẫn đến điều này.

Thứ nhất, nếu bị xử phạt thì các công ty có xu hướng muốn xin nộp tiền cho chính phủ hơn và chính phủ cũng nghiêng về phương án này hơn vì họ hiểu rằng nếu phải đối mặt với nguy cơ ngồi tù thì các cá nhân sẽ phải tìm mọi cách phản kháng để thoát án và như vậy chính phủ sẽ phải tốn rất nhiều công sức.

Hơn nữa, nếu đưa một người vào tù thì chưa chắc chính phủ đã thu được gì nếu họ không có tiền. Trong quá trình điều tra mà một công ty chịu nhận tội, chấp nhận đóng phạt vài chục triệu USD thì thứ nhất là dễ cho nhà nước vì không tốn công, thứ hai là nhà nước còn thu vào ngân quỹ một khoản tiền. Thành ra, trong lịch sử Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ thì xử phạt tiền công ty nhiều hơn là xử phạt tù các cá nhân.

PV: Những vụ việc hối lộ như thế nào có phổ biến tại Mỹ không thưa ông, nếu có xảy ra thì thường bị phát hiện như thế nào?

Luật sư Trần Đình Hoành:So với các nước khác thì những vụ việc như thế này không nhiều, vì luật của Mỹ rất nghiêm ngặt và hầu như công ty nào của Mỹ cũng phải thuê luật sư luật sư để tư vấn vè luật pháp.

Hiện mỗi năm Mỹ truy tố khoảng 12 vụ, con số rất nhỏ đối với một đất nước lớn như Mỹ. Thông thường thì những vụ hối lộ như của Bio-Rad thì chính phủ hầu như không biết mà là do chính người ở trong công ty cung cấp thông tin.

Thứ nhất là có thể một người nào đó trong công ty phát hiện ra hành vi tiêu cực và tuyên bố thông báo cho Bộ Tư pháp Mỹ. Trong trường hợp này thì các công ty sẽ tự nguyện khai báo và hợp tác với Bộ Tư pháp. Thứ hai là do bất đồng nội bộ trong công ty. Chẳng hạn do mâu thuẫn quyền lực mà một bên nào đó sẽ đem những chuyện tiêu cực ra tố cáo với chính phủ. Các vụ việc tiêu cực cũng có thể được phát hiện thông qua kiểm toán.

Tất nhiên là không phải công ty kiểm toán nào cũng làm tốt nhưng qua nhiều thời gian, với sự tham gia của các công ty kiểm toán khác nhau thì thế nào cũng phát hiện được. Những vụ việc như thế này thì đến một lúc nào đó Bộ Tư pháp Mỹ sẽ biết hết nhưng thông tin lại thường đến chính từ công ty có tiêu cực chứ không phải Bộ Tư pháp phát hiện ra.

PV:Vậy tức là hệ thống luật pháp về chống tham những của Mỹ, dù rất chặt, nhưng chủ yếu lại dựa vào chính người dân để giữ gìn luật pháp chứ chính phủ không thể kiểm soát tất cả mọi việc?

 Luật sư Trần Đình Hoành:Đúng vậy. Hệ thống kiểm soát của Mỹ rất chặt chẽ nhưng lại dựa vào người dân tới chín phần, dựa vào chính phủ chỉ một phần. Chính phủ làm luật và người dân tự động giữ luật, tức là nếu người này phá luật thì sẽ có người khác phản đối. Điều đó cho thấy việc sử dụng người dân để giữ gìn luật pháp có hiệu quả đến mức nào.

Tại Mỹ, những người tố cáo hành vi tiêu cực được luật pháp bảo vệ rất tốt. Người bị tố cáo, chẳng hạn như lãnh đạo công ty, không thể đuổi việc, bôi nhọ hay bịt miệng họ. Điều này tuyệt đối không bao giờ xảy ra vì nếu công ty cố tình trả đũa thì tội sẽ nặng hơn. Tôi cho rằng một chính phủ giỏi phải là một chính phủ làm thế nào để đại đa số người dân làn việc cùng mình và với mình để giữ luật cho nhà nước.

Luật sư Trần Đình Hoành trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Mỹ

PV:Theo Bộ Tư pháp và Uỷ ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, việc Bio-Rad hối lộ đã diễn ra trong một thời gian dài, chẳng hạn như ở Việt Nam là từ năm 2005 đến 2010, vậy sao một vụ việc lâu như vậy mà phía Mỹ mới phát hiện ra?

Luật sư Trần Đình Hoành:Thông tin chi tiết về vụ việc này không có nhiều nhưng nhìn chung là không có người nào trong công ty mẹ Bio-Rad trực tiếp nhúng tay vào, mà chỉ liên quan đến một số các công ty con, chẳng hạn như Bio-Rad SNL của Pháp và một hai công ty con nữa hoạt động tại Việt Nam và Thái Lan.

Đáng ra lãnh đạo của công ty phải biết về những khoản hối lộ như đã nói nhưng họ đã không biết, có thể do hệ thống kế toán quá kém. Tiếp theo, khoản hoa hồng lên tới 30%-50% là cực kỳ lớn, hầu như không bao giờ có trên thế giới, nhưng các lãnh đạo công ty không quan tâm và vẫn cứ ký séc trả tiền. Ngay cả một số công ty nhận hoa hồng cũng không có thật, và đáng lý lãnh đạo công ty phải biết điều này.

Với những tình tiết như vậy thì chính phủ Mỹ cho rằng đó là cố tình bao che chứ không phải là không biết. Tuy nhiên, việc công ty mẹ tự nguyện báo cáo vụ việc với Bộ Tư pháp là yếu tố để Bộ Tư pháp giảm nhẹ hình phạt.

 Trong vụ việc này tính sơ sơ thì đã có tới vài chục người trong Bio-Rad biết và nếu tôi là lãnh đạo công ty thì tôi cũng cho rằng tốt nhất là nên thú nhận với Bộ Tư pháp vì giỏi lắm thì cũng chỉ giấu thêm được 5-6 tháng nữa. Nếu để Bộ Tư pháp đến gõ cửa thì khi đó tội sẽ rất nặng.

PV:Phía Mỹ cho biết là một phần số tiền hối lộ của Bio-Rad được ngụy trang dưới hình thức hoa hồng, vậy luật Mỹ có quy định mức hoa hồng là bao nhiêu không, thưa ông?

Luật sư Trần Đình Hoành:Tại Mỹ không ấn định mức hoa hồng mà tùy theo mức độ khó khăn của công việc, nhiều khi chỉ là 1-2%, nếu lên đến khoảng 5% đã là cực kỳ lớn. Cũng có trường hợp tiền hoa hồng lên tới 10% nhưng chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng từ 30%-50% thì trên thế giới không bao giờ có.

Rất dễ nhận ra là có vấn đề gì đó với những con số như vậy. Tôi nói ví dụ như luật của Việt Nam có những con số cụ thể đối với các công ty tư vấn đầu tư. Nếu mình là công ty nước ngoài mà trả hoa hồng cao hơn đôi chút mức đó thì cũng đã phạm luật của nước sở tại rồi.

PV:Ông đánh giá thế nào về phản ứng của phía Việt Nam sau khi Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ công bố vụ việc Bio-Rad?

Luật sư Trần Đình Hoành:Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam nên mở một cuộc điều tra để truy tố những người vi phạm. Phía Việt Nam có thể làm được rất nhiều việc trong những vụ việc như thế này. Thứ nhất là nên có các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác điều tra tham nhũng với các nước, chẳng hạn các nước tài trợ hoặc những nước có nhiều hoạt động làm ăn buôn bán với Việt Nam.

Ví dụ, vụ việc này tại sao chỉ có Chính phủ Mỹ điều tra mà không có Chính phủ Việt Nam điều tra chung. Có lẽ bởi vì không có thỏa thuận hợp tác điều tra chung. Nếu chúng ta có các thỏa thuận như vậy thì việc điều tra vừa dễ hơn vừa có hiệu quả hơn. Hai là, khi các nước đã hoàn tất điều tra thì Việt Nam nên đề nghị họ cung cấp các thông tin đó để mở một cuộc điều tra tại Việt Nam.

Tôi nghĩ Mỹ cũng cần chia sẻ thông tin để giúp Việt Nam chống tham nhũng vì các đường dây tham nhũng ở Việt Nam cũng khiến cho công dân Mỹ vi phạm luật pháp của chính nước Mỹ.

Nếu quan tâm giải quyết tham nhũng thì Việt Nam nên đặt trọng tâm vào việc phối hợp với các nước khác, chứ không nên để các nước tự lo việc của họ, còn việc của mình có muốn lo hay không thì tùy. Nếu làm như vậy sẽ không tốt cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Đặc biệt, đối với các công ty của Mỹ thì một trong những điểm khó khăn nhất khi họ nghĩ đến đầu tư vào Việt Nam là tham nhũng. Vụ việc hối lộ của Bio-Rad đã tạo ra thông điệp rất lớn đối với các công ty của Mỹ là các quý vị vào Việt Nam thì các quý vị không thể nào hối lộ, tham nhũng mà không ai biết.

Một điểm nữa là Việt Nam nên, ví dụ như trong vụ Bio-Rad này, lấy luật của Việt Nam ra kiện lại họ. Chẳng hạn như tính toán rằng Bio-Rad đã thu lợi bất chính được 15 triệu USD từ các hành vi hối lộ thì Việt Nam có thể yêu cầu họ đóng phạt toàn bộ số tiền đó để đưa vào ngân sách nhà nước.

Dù công ty Bio-Rad hiện giờ không còn làm ăn ở Việt Nam nữa và nếu họ không chịu đóng thì cũng không sao. Nhưng Việt Nam cứ đòi họ khoản tiền này và tuyên bố nếu sau này họ muốn quay lại thị trường Việt Nam thì phải đóng tiền phạt trước rồi mới nói chuyện làm ăn sau.

Điều này vừa có lợi cho ngân sách Việt Nam vừa truyền tải một thông điệp rất lớn đến các công ty trên khắp thế giới là khi quý vị vào làm ăn tại Việt Nam mà hối lộ quan chức Việt Nam thì chúng tôi không chỉ trừng trị quan chức của mình mà quý vị vô tội. Như vậy, nó sẽ giúp ích rất lớn cho việc làm sạch môi trường thương mại của Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.