- Kiểm tra an toàn kỹ thuật các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long
- Hà Nội ra quân kiểm tra tàu thuyền
- Lương tâm và trách nhiệm
Bước vào mùa mưa lũ, trên các dòng sông, suối và nhất là lòng hồ thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), nước thường dâng cao bất ngờ, tạo ra các đợt sóng lớn khiến cho các phương tiện giao thông đường thủy đi lại gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết lái tàu, thuyền ở Sơn La đều chưa qua đào tạo thuyền viên hay máy trưởng; nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông.
Một chuyến du lịch trên hồ Thuỷ điện Sơn La, du khách được trang bị áo phao đầy đủ |
Bến thuyền Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La thường xuyên có khoảng 50 - 60 chiếc thuyền lớn nhỏ chở khách. Anh Hoàng Văn Xương, một lái thuyền ở bến Pá Uôn cho biết, từ tháng 4/2010, Nhà máy Thủy điện Sơn La tích nước, nước lòng hồ dâng cao, khách về du lịch lòng hồ thủy điện rất đông. Người dân các xã quanh lòng hồ đi làm, ra trung tâm huyện cũng chỉ có phương tiện duy nhất là thuyền nên nghề này dễ kiếm sống. Dù đã làm nghề lái thuyền cả chục năm, nhưng anh cũng như nhiều người khác đang hành nghề này không ai có chứng chỉ điều khiển phương tiện đường thủy. Trước kia anh chạy thuyền nhỏ, giờ đông khách, anh mua thuyền lớn chở được từ 10 -15 người.
Anh Hoàng Văn Xương biện bạch: “Vẫn biết không có chứng chỉ lái thuyền là vi phạm luật. Cảnh sát giao thông cũng nhiều lần kiểm tra nhưng ở đây có mở lớp đào tạo để cấp chứng chỉ cho thuyền viên đâu. Chúng tôi cũng mong có chứng chỉ để hành nghề cho đàng hoàng”.
Ngồi trên thuyền của anh Xương gồm có tôi và 12 hành khách. Anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ huyện Quỳnh Nhai chỉ vào mấy chiếc áo phao xếp gọn ở đầu thuyền cho biết: "Có áo phao đấy, nhưng chẳng ai mặc. Hôm nay nước yên, sóng nhỏ đi còn đỡ sợ, nhiều hôm mưa to, gió lớn sóng mạnh, nước mấp mé mạn thuyền, sợ lắm. Chúng tôi cũng lo lắng vì đi như thế này mất an toàn nhưng không còn lựa chọn nào khác".
Bến cảng Tà Hộc, huyện Mai Sơn tuy không có nhiều thuyền như ở Pá Uôn, nhưng lại có những thuyền lớn, trọng tải hàng trăm tấn, chở hàng hóa nông sản mang về xuôi và mang hàng hóa từ xuôi lên bán. Theo quy định, người điều khiển phương tiện này phải được đào tạo bài bản, được cấp bằng lái mới được chạy thuyền. Thế nhưng, những thuyền lớn này thường do mấy hộ hùn vốn mua chung và chỉ có một người có bằng, đề phòng cảnh sát giao thông kiểm tra.
Anh Vì Văn Phượng, một chủ thuyền cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, tôi mua chiếc thuyền này từ 10 năm trước. Cả nhà tôi ai cũng biết lái thuyền, nhưng chỉ có 1 người có bằng lái. Ở bản tôi có 5 thuyền lớn, hơn 10 thuyền nhỏ, người có bằng lái, người không có bằng lái. Chúng tôi cũng muốn Nhà nước tổ chức đào tạo thi lấy bằng tại địa phương vì hiện nay phải đi học ở xa mọi người rất ngại”.
Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có 15 bến chợ và 18 bến khách ngang sông, gần 2.100 phương tiện đường thủy, trong đó chỉ có trên 700 phương tiện đăng ký, đăng kiểm; trên 400 thuyền trưởng có chứng chỉ chuyên môn, chiếm 1/5 tổng số người lái. Năm nào ở tỉnh cũng xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết người. Nhưng việc thống kê chính xác các vụ tai nạn là rất khó. Bởi hầu hết các vụ tai nạn lật đắm thuyền tại tỉnh Sơn La xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, khi tai nạn xảy ra, bà con tự xử lý mà không báo với chính quyền địa phương.
Ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sơn La, Phó Ban chỉ đạo An toàn giao thông tỉnh lo ngại, năm nay nước lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ dâng cao hơn năm ngoái. Nước sâu, sóng lớn, các lái tàu, thuyền ở Sơn La chủ yếu chưa qua đào tạo, nên nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy sẽ cao hơn những năm trước.
Số dân có nhu cầu được đào tạo để có chứng chỉ lái thuyền ở Sơn La là rất cao. Thế nhưng, cuối năm ngoái, tỉnh Sơn La mới thành lập cơ sở đào tạo thuyền viên tại bến phà Vạn Yên, huyện Phù Yên. Mở thêm các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ lái thuyền cho người dân có nhu cầu là yêu cầu chính đáng. Các gia đình quanh vùng lòng hồ thủy điện Sơn La sử dụng thuyền nhỏ cũng cần được học Luật Giao thông đường thủy. Như thế, mới có thể hạn chế được các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra./.