Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, trong hành nghề hoạt động tố tụng hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh nghề đặc thù này. Do đó, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, thiết lập các tiêu chuẩn chung về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và các nguồn lực khác. Một số ý kiến đề nghị pháp lệnh cần được xây dựng theo hướng chi tiết về các nhóm vấn đề, đồng thời giảm thiểu các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

tu_phap_cpzu.jpgHội thảo lấy ý kiến chuyên gia về Dự thảo pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp

Dự thảo Pháp lệnh quy định các mô hình đào tạo được xác định theo hướng đổi mới và đa dạng, bao gồm: Đào tạo riêng từng chức danh như hiện nay và đào tạo chung 3 chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Đồng tình với quy định này, ông Nguyễn Đức Mai, nguyên Chánh Tòa phúc thẩm, Tòa án quân sự Trung ương cho rằng, mô hình đào tạo chung 3 chức danh sẽ góp phần tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và tạo cơ sở cho việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của 3 chức danh này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, nếu tạo điều kiện cho người tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật được đi học Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư thì vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo cũng như việc sắp xếp, bố trí công việc sau đào tạo như thế nào để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, gây lãng phí.

Dự thảo Pháp lệnh quy định trình độ đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư được xác định là đào tạo kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, trình độ tương đương thạc sĩ luật. Một số ý kiến còn băn khoăn về quy định này, đồng thời đề nghị cần xem xét tính đồng bộ với các văn bản Luật đã ban hành như Luật giáo dục đại học./.