Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ tháng 6. Để đưa tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 09 của UBND tỉnh Bình Dương đến với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cán bộ ở cơ sở đang linh động bằng nhiều cách.
“Phao cứu sinh”
Dịch COVID-19 kéo dài khiến cuộc sống mưu sinh của người nghèo, người lao động tự do ở Bình Dương càng thêm khó khăn, vất vả. Vì thế, khi nhận được khoản tiền hỗ trợ theo quy định của tỉnh, không ít người mừng rơi nước mắt. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Hồng Tươi, chạy xe ôm tại thành phố Thuận An. Dịch bệnh kéo dài ông phải tạm nghỉ nên mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình. Khi nghe được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, ông rất mừng, bởi trong lúc này, số tiền đó như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình vượt qua ngặt nghèo.
Ông Tươi cho biết: “Cũng nhờ chính quyền địa phương và các ban ngành có sự quan tâm cho những anh em nghèo bị ảnh hưởng COVID-19 không đi làm được. Hỗ trợ cho anh em một số tiền để trang trải trong gia đình. Riêng tôi, tôi rất cảm ơn đã giúp đỡ cho anh em chúng tôi một cách nhiệt tình”.
Phấn khởi và chờ đợi được nhận 1,5 triệu đồng từ Quyết định số 09 của UBND tỉnh Bình Dương đang là tâm trạng của ông Nguyễn Minh Khánh (43 tuổi), người mù bán vé số dạo sống tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. Ông Khánh cho biết, việc tạm ngưng vé số, hàng rong ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, thu nhập của nhiều người nhưng ai cũng đồng tình. Hơn bao giờ hết, việc hạn chế người dân ra đường trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là điều phải làm để tránh lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Minh Khánh hy vọng sớm được nhận hỗ trợ để có thêm điều kiện trang trải cuộc sống: “Có thì mua mắm, mua gạo để dành chứ giờ đâu thể đi đâu được. Cũng cầu mong cho mọi người, mọi nhà, mọi nơi đồng lòng, đồng sức, đồng tâm với nhau vượt qua đại dịch”.
Linh động chi hỗ trợ
Trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc di chuyển đi lại của người dân phải hạn chế tối đa, đồng nghĩa với việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng cũng sẽ bị chậm. Để hoàn thành chi hỗ trợ cho hơn 19.500 người, trong đó có gần 3.100 người bán vé số, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các địa phương, tùy theo tình hình, diễn biến dịch bệnh để linh động, làm sao tiền hỗ trợ đến với người dân càng sớm càng tốt.
Ông Nguyễn Văn Lợi- Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh: “Muốn cho các em, các cháu không bán vé số, các bác, các cô không bán lề đường để mưu sinh thì chúng ta vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng phải cấp tiền mỗi ngày 50.000 đồng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là sự chia sẻ phải nói là rất ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, do đó chúng ta phải thực hiện nhanh và làm nhanh Nghị quyết 68”.
Là địa phương có rất đông công nhân, lao động tự do, thành phố Dĩ An đang yêu cầu các phường gấp rút rà soát, lập danh các đối tượng khó khăn ảnh hưởng của dịch để tiến hành hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 09 của tỉnh Bình Dương. Hiện, đã có hơn 850 trường hợp được phê duyệt, mỗi người sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hợp, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Dĩ An cho biết, để tiền hỗ trợ nhanh chóng đến với các đối tượng, địa phương chia theo từng đợt để chi trả: “Tiếp nhận đơn, người dân có thể nhờ khu phố, đoàn thể tiếp nhận chuyển lên phường. Sau khi hồ sơ được duyệt, mời cô chú lên nhận, tuy nhiên do thực hiện giãn cách xã hội nên tiến độ rất chậm. Do vậy, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống phường quyết tâm để mức hỗ trợ đến tay kịp thời 12 nhóm đối tượng được quy định trong tinh thần Nghị quyết 68”.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ chính sách 1,5 triệu đồng/người, các ban ngành, địa phương trong tỉnh Bình Dương cũng vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù thông qua mô hình chợ nhân đạo, siêu thị 0 đồng, chuyến xe nhân ái, bữa cơm nghĩa tình... giúp giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt của họ trong thời gian giãn cách xã hội./.