vov_ma1_7__nnli.jpg
Cứ mỗi độ Tết tới gần là nhu cầu sử dụng hàng mã, đặc biệt là đồ cúng tăng đột biến, trong đó chủ yếu là hàng mã cúng ông Công ông Táo.
Các nơi sản xuất hàng mã lớn như Bắc Ninh, Thường Tín, Chương Mỹ (Hà Nội) phải căng mình sản xuất ngày đêm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.
Dịp Tết ông Công ông Táo năm nay, cơ sở sản xuất hàng mã của anh Trần Hải (Thôn 2, xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) đã cho ra lò hàng nghìn sản phẩm các loại, trong đó riêng đồ cúng ông Công ông Táo khoảng gần 10.000 bộ.
Mức giá bán buôn tại nhà trên dưới 50.000 đồng/một bộ ông Công ông Táo, mỗi người thợ làm hàng mã thủ công 1 ngày cắt dán hết công suất được gần 200 bộ sản phẩm như vậy.
Tuy sản xuất liên tục ngày đêm với số lượng lớn như vậy nhưng theo anh Hải, nhu cầu đặt hàng của người dân là quá lớn, những ngày cận Tết gia đình từ chối không nhận khách, chỉ dám nhận đặt hàng từ những khách quen.
Để có một bộ đồ ông Công ông Táo hoàn chỉnh, phải nhập nguyên liệu từ nhiều nơi như Sơn Tây, Bắc Ninh hay Thường Tín về và tự tay người thợ cắt ghép cẩn thận, tỷ mỷ.
“Tôi làm nghề được gần 10 năm, nguyên liệu trước đây thợ phải vẽ màu thủ công, nay các món đồ được in bằng bìa carton cứng và chúng tôi chỉ cần cắt ghép, dán và điều chỉnh, uốn nắn cho đẹp”- anh Hải chia sẻ.
“Do nhu cầu đặt hàng từ rất sớm với số lượng lớn nên cứ đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 là chúng tôi chuyển hết sang sản xuất đồ cúng ông Công ông Táo. Năm nay riêng gia đình nhà tôi phải đầu tư nguyên vật liệu khoảng 300 triệu đồng, với giá bán buôn trên dưới 50 nghìn đồng/1 bộ, ước tính thu về khoảng gần 1 tỉ đồng”, Anh Hải tiết lộ.
Người thợ dán cố định sản phẩm.
Sau đó tập hợp đưa vào từng bộ hoàn chỉnh. Sản phẩm hàng mã phục vụ cúng ông Công ông Táo ở nhà anh Hải có nhiều mức giá khác nhau, từ 30.000 - 150.000đ/bộ tùy vào kích cỡ và kiểu dáng.
Những chiếc mũ trước khi gắn vào bộ cúng ông Công ông Táo được đặt phổ biến nhất.
Ngoài bộ cúng ông Công ông Táo, nhu cầu sử dụng mã còn nhiều các sản phẩm các loại khác nữa
Giấy được in sẵn và công đoạn cắt ghép được người thợ thủ công làm rất tỉ mỉ.
Những sản phẩm được đóng thành thùng bao nilon to cho các thương lái chuyển đến các chợ hay cửa hàng bán lẻ./.