Tại ĐBSCL, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn thường xuất hiện và diễn ra vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu. Về giải pháp ngăn chặn tình trạng này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau -  địa phương có thế mạnh hàng đầu cả nước về nghề nuôi và chế biến tôm xuất khẩu.

PV:Thưa ông, vấn đề bơm chích tạp chất vào tôm sẽ gây ra những hệ lụy gì đến ngành sản xuất và chế biến xuất khẩu tôm?

Ông Lê Văn Sử: Hiện trạng, vấn nạn bơm chích tạp chất gây ra rất nhiều hệ lụy, tác hại rất lớn. Tôi muốn nói về nguyên nhân. Nguyên nhân bên ngoài là do sự hám lợi của một số đối tượng có liên quan đến ngành hàng tôm. Ở đây đó là doanh nghiệp thu mua chế biến, nếu tham gia cũng dẫn đến vấn nạn này. Hay đại lý thu mua, người thu gom nếu muốn cũng dẫn đến tình trạng này.

pv_fjye.jpg
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Xét về lâu dài thì không có lợi cho bất kể một ai trong những thành phần này. Bởi vì nếu như ngành hàng tôm còn tồn tại, vấn nạn này thì sẽ đi vào ngõ cụt. Khi ngành hàng này không phát triển thì nghề của những đối tượng này bị ảnh hưởng. Có nghĩa là không ai trong số nhiều người này mong muốn mà chỉ có một số ít người làm việc này nhưng lại gây ra vấn nạn như thế.

PV:Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm nhưng vì sao vẫn chưa kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả, thưa ông?

Ông Lê Văn Sử: Vì sao lại xảy ra sự việc như thế? Tôi cho rằng chúng ta ngăn chặn việc làm này thì rất khó, nhưng phát sinh việc này thì rất dễ. Thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều lần mở nhiều đợt ra quân kiểm tra nên việc làm này giảm xuống. Có lúc tưởng chừng như chấm dứt được. Nhưng một thời gian thì tình trạng bơm chích tạp chất lại quay lại.

Tôi cho rằng, vấn đề thuộc về hệ thống tổ chức sản xuất của chúng ta không chặt chẽ, không có sự liên kết nào, không có sự ràng buộc nào về trách nhiệm và quyền lợi trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị. Cho nên khi chúng ta chưa tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa ràng buộc những người này lại với nhau thì tình trạng này chưa chấm dứt căn cơ.

PV: Theo ông, để đẩy lùi tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu thì cần có những giải pháp đồng bộ ra sao?

Ông Lê Văn Sử: Để chấm dứt căn cơ tình trạng này thì phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị thật sự. Nhưng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhiều người mong muốn đó là mục tiêu chúng ta đặt ra rất lâu nhưng tổ chức thực hiện thì rất khó. Hay nói khác hơn, con đường để đạt được mục tiêu này còn dài.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở một phạm vi, ở một địa phương có thể dễ. Nhưng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cho toàn bộ ngành hàng tôm thật sự là vấn đề khó, cần có thời gian mới thực hiện được.

Giải pháp trước mắt ở đây trong phạm vi từng tỉnh, từng lúc, từng nơi cũng đã thực hiện quyết liệt. Nhưng vấn đề bơm tạp chất này còn liên quan đến các tỉnh. Vì vậy, muốn chấm dứt việc này cần có sự đồng bộ giữa các tỉnh. Nhưng tình trạng này rất dễ lặp lại.

Cho nên không chỉ đòi hỏi có sự quyết liệt đồng bộ các địa phương mà phải duy trì lâu dài. Còn để bền vững thì phải tổ chức lại sản xuất.

PV: Xin cảm ơn ông!./.