Chủ động phòng chống bệnh Nhiệt thán (hay còn gọi là bệnh than) trên gia súc ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh, đồng thời hướng dẫn người dân biện pháp chủ động phòng bệnh cho người và gia súc.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết diễn biến bệnh Nhiệt thán trên gia súc thời gian qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc như thế nào?
Ông Đàm Xuân Thành: Trong vòng 5 năm trở lại đây ghi nhận 14 ổ dịch Nhiệt thán tại 14 xã, ở 8 huyện, thuộc 4 tỉnh miền núi phía Bắc. Cụ thể như thể như: ở tỉnh Cao Bằng vào năm 2010, 2011, 2012; tỉnh Điện Biên vào năm 2911, 2012, 2013, 2014; tỉnh Lai Châu vào năm 2010, 2011; tỉnh Hà Giang. Hiện nay, ở Hà Giang, ổ dịch đã được khống chế, gia súc đã được tiêm phòng và những gia súc chết đã được xử lý đốt, chôn đúng theo quy định.
Phần lớn các ca bệnh Nhiệt thán xuất hiện trên trâu, bò, ngựa, dê chủ yếu là trong 1 hộ gia đình, nhiều nhất là 4 hộ như trường hợp ổ dịch ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng năm 2011. Số gia súc mắc bệnh ở mỗi xã chủ yếu từ 1 đến 3 con, nhiều nhất là 19 con. Mỗi năm có khoảng 1 đến 2 xã có dịch, nhiều nhất là năm 2011 có 6 xã của 3 tỉnh có dịch và năm 2012 có 5 năm xã của 2 tỉnh có ổ dịch Nhiệt thán.
PV: Căn cứ vào bản đồ dịch tễ thì những địa phương nào là điểm nóng của dịch bệnh này thưa ông?
Ông Đàm Xuân Thành: Các địa phương có ổ dịch đều là điểm nóng của dịch vì theo quy định các địa phương ghi nhận ổ dịch Nhiệt thán phải tiêm phòng vaccine Nhiệt thán liên tục trong 10 năm cho tất cả số gia súc trong diện phải tiêm. Nguyên nhân do “nha bào” của Nhiệt thán có khả năng tồn tại nhiều năm trong đất, do đó chỉ cần bỏ sót gia súc không tiêm phòng là có thể phát sinh ca bệnh Nhiệt thán.
PV: Thưa ông, những nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh Nhiệt thán?
Ông Đàm Xuân Thành: Có 2 nguyên nhân chính làm phát sinh bệnh Nhiệt thán. Cụ thể là gia súc trong vùng có ổ dịch cũ không được tiêm phòng vaccine triệt để theo quy định và yêu cầu ở đây là phải tiêm phòng tất cả.
Thứ hai là do nhận thức còn hạn chế của một số người dân khi mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh Nhiệt thán, làm vi khuẩn Nhiệt thán phát tán từ đó gây bệnh cho chính những người ăn thịt gia súc mắc bệnh.
PV: Chủ động ứng phó dịch thì Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương trong vùng dịch triển khai các biện pháp như thế nào thưa ông?
Ông Đàm Xuân Thành: Về phòng chống bệnh Nhiệt thán đã có nhiều quy định. Ví dụ như phải tiêm phòng vaccine Nhiệt thán cho toàn bộ gia súc ở những vùng có ổ dịch cũ. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh Nhiệt thán thì tuyệt đối không được mổ thịt mà phải tiêu hủy, chôn và quản lý các hố chôn.
Gần đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện khẩn số 8552 chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch Nhiệt thán, Cục Thú y cũng đã cử đoàn công tác đến tỉnh Hà Giang trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng công tác chống dịch.
PV: Trong công tác phòng chống dịch, đâu là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu thưa ông?
Ông Đàm Xuân Thành: Như tất cả những vấn đề chúng ta đã nói thì vấn đề tiêm phòng vaccine cho gia súc là biện pháp quan trọng hàng đầu. Tức là những gia súc ở những vùng ổ dịch cũ là phải được tiêm phòng 100%. Thứ hai phải tuyên truyền để người dân khi phát hiện gia súc mắc bệnh Nhiệt thán không được giết mổ và ăn thịt mà phải thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định như là tiêu hủy, chôn và đổ bê tông hố chôn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.