Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, một trong những dự án luật được Quốc hội tập trung thảo luận là dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2017, các cơ quan Nhà nước đã  nhận được tổng số 42.855 đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm là đơn thư tố cáo của mình được giải quyết đến đâu; quyền và trách nhiệm cũng như hình thức khen thưởng khi thực hiện tố cáo một vụ việc sai trái như thế nào để không bị rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật.

Để hỗ trợ người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

luat_su_thinh_vov_dbcl.jpg
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Người tố cáo sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

PV:Thưa ông, Quốc hội đang thảo luận về dự ánLuật Tố cáo (sửa đổi). Với tư cách là một luật sư, ông có ý kiến đóng góp cho dự án luật này như thế nào?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Hiến pháp đã quy định quyền của người tố cáo và chúng ta phải tôn trọng để tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, luật pháp quy định, quyền tố cáo cũng đi liền với nghĩa vụ và trách nhiệm nên trong dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng phải quy định rất rõ về vấn đề này để người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước những nội dung và thông tin họ tố cáo.

Trong trường hợp người dân tố cáo không đúng, tố cáo sai hoặc vì những mục đích cá nhân không phù hợp với luật pháp thì họ phải bồi thường danh dự, nhân phẩm, vật chất, tinh thần cho người bị tố cáo cũng như chịu trách nhiệm trước các cơ quan có thẩm quyền pháp luật về hành vi tố cáo của mình.

PV:Đối với những người tố cáo không đúng hoặc sai thì hình thức phạt như thế nào, thưa ông?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh:Hiện nay, Luật Tố cáo không quy định rõ việc xử phạt người tố cáo sai bị phạt như thế nào. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật có những đạo luật khác dẫn chiếu việc xử phạt người tố cáo sai. Ví dụ như trong Bộ luật Dân sự có quy định người tố cáo sai phải chịu trách nhiệm đến đâu, như thế nào tùy từng mức độ phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất.

Còn Bộ luật Hình sự có quy định, những hành vi tố cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước thì phải bồi thường danh dự cho người bị tố cáo và chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Nếu người tố cáo có hành vi thực sự nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu hình phạt theo Bộ luật Hình sự.

PV:Vậy để không vi phạm pháp luật, người dân phải lưu ý những gì khi thực hiện quyền tố cáo của mình, thưa ông?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Người dân khi thực hiện quyền tố cáo của mình phải nghiên cứu kỹ pháp luật. Trong trường hợp người dân chưa hiểu hết luật pháp thì phải có sự hỗ trợ pháp lý của luật sư hoặc những người hiểu biết pháp luật để thực hiện đúng quyền của mình.

Nếu người dân có quyền tố cáo nhưng lại không hiểu hết quyền, nghĩa vụ của mình dẫn tới hành vi tố cáo không phù hợp hoặc vi phạm luật pháp thì có thể đang thực hiện quyền tự do dân chủ được Hiến pháp quy định lại dẫn tới trở thành người vi phạm pháp luật.

Do đó, khi người dân thực hiện một quan hệ pháp luật nào đó thì phải hết sức thận trọng. Trong điều kiện hệ thống pháp luật của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện và tương đối đồng bộ thì không phải người dân hiểu biết đến đâu là làm đến đó, mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ luật pháp khi thực hiện tố cáo.

Không nên đưa khen thưởng người tố cáo vào Luật Tố cáo

PV: Thưa ông, bên cạnh việc quy định trách nhiệm, xử phạt người tố cáo sai thì trong dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đề cập việc khen thưởng người mạnh dạn đứng ra tố cáo một vụ việc nào đó như thế nào?

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Chúng ta không nên đưa việc khen thưởng người tố cáo vào trong dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) vì theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, có tới 60% đơn thư tố cáo là không đúng; hơn 20% là tố cáo vừa đúng vừa sai và chỉ có hơn 10% đơn thư tố cáo đúng. Nếu cộng cả hai loại đơn thư tố cáo vừa đúng vừa sai và tố cáo đúng thì vẫn chiếm thiểu số.

Chúng ta tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng không có nghĩa là động viên hoạt động này trong xã hội ở một chế định dân chủ vượt quá sự phát triển kinh tế xã hội cũng như khả năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Nhà nước.

Việc khen thưởng người dân mạnh dạn tố cáo những vụ việc tham nhũng, nhận hối lộ đã được quy định trong Luật Khen thưởng. Điều này không có nghĩa là chúng ta không động viên, khen thưởng người mạnh dạn tố cáo những vụ việc tham nhũng, nhận hối lộ mà việc khen thưởng được thực hiện ở một luật riêng.

PV:Xin cảm ơn ông!/.