Dự án xử lí ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hoà vừa được khởi động vào sáng nay (20/4). Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã đến dự. Đây là một trong những dự án xử lí môi trường lớn nhất thế giới với diện tích xử lí tẩy độc cao gấp 4 lần so với sân bay Đà Nẵng. Thời gian xử lí kéo dài đến 10 năm. 

du_an_hhws.jpg
Phái đoàn Mỹ do thượng nghị sĩ Leahy dẫn đầu chụp ảnh cùng đại diện Việt Nam sáng 20/4 (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác  phối hợp với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ sớm triển khai các dự án khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, trong đó có dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hoà. 

Phó Thủ tướng yêu cầu 2 bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ bảo đảm thực hiện dự án chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ bảo đảm sức khoẻ an toàn cho người dân.

Dự án xử lí ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hoà thể hiện rõ tầm quan trọng của những nỗ lực chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Toàn diện thông qua khắc phục di sản chiến tranh. Kinh phí đầu tư dự án này là 183 triệu USD do Hoa Kỳ tài trợ và 110 tỷ vốn đối ứng từ chính phủ Việt Nam. 

Được biết dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hoà tiếp tục sử dụng các phương pháp xử lý và cô lập đã từng áp dụng thành công tại Sân bay Đà Nẵng. Khu vực Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm và phức tạp nhất ở Việt Nam, trong đó có 3 khu vực có mức ô nhiễm cao gấp nhiều lần cho phép.

Tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh tin tưởng rằng dự án xử lý khắc phục dioxin tại sân bay Biên Hòa sẽ diễn ra thành công.

Cũng trong sáng nay, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hoá học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) đã ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh mục tiêu tại Việt Nam là: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.

Trong 5 năm tới, , USAID và Văn phòng 701 sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các tổ chức địa phương và UBND các tỉnh nói trên cung cấp các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng./.