Tại tỉnh Thanh Hoá, nước biển xâm thực sâu vào đất liền, độ mặn vượt ngưỡng cho phép nên các trạm bơm ngừng hoạt động. Nhiều diện tích lúa ở các huyện Hà Trung, Tĩnh Gia, Ngư Lộc, Nga Sơn, Hậu Lộc bị khô hạn nặng. Riêng huyện Hậu Lộc có tới 2.000 ha thiếu nước tưới, nhiều xã của huyện lúa đông xuân bị thiệt hại từ 40-50%.
Xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề do khô hạn, ông Phạm Văn Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã Minh Lộc cho biết, hiện nay diện tích lúa chết do hạn và mặn là 30 ha, khoảng 50%. Và 40 ha còn lại đã có dấu hiệu chết cục bộ do mặn và không có nước. Hiện nay chưa có giải pháp nào thay thế cây trồng được bởi bị nhiễm mặn và không có nguồn nước.
Nắng nóng mấy ngày qua càng tăng thêm mức độ hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại Long An, toàn tỉnh còn gần 135.000 ha lúa vụ đông xuân chưa thu hoạch, trong đó hơn 95.000 ha thiếu nước. Trong khi đó, vụ hè thu năm nay, tỉnh có kế hoạch gieo sạ trên 190.000 ha, khả năng thiếu nguồn nước tưới tới hơn 100.000 ha. Trước tình trạng này, tỉnh đang điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thi công các công trình phân ranh mặn ngọt; khuyến cáo người dân trồng các giống lúa chịu mặn, chịu phèn.
Tại tỉnh Bến Tre, nước mặn xâm nhập đe dọa gần 35.000 ha cây ăn quả; 21.000 ha lúa đông xuân; 49.000 ha dừa; 7.000 ha mía; hơn 5.000 ha hoa màu, hoa cảnh. Hiện nay độ mặn 4/%0 đã xâm nhập có thể lấn sâu trên 60 km đến địa phận huyện Chợ Lách. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre khuyến cáo: “Mặn sẽ xâm nhập vào thời điểm triều cường như Rằm, 30 và sẽ giảm nhanh khi nước rút đi… Phòng nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên áp dụng nên trữ nước vào thời điểm nào, nên tưới cây vào lúc nào”./.