Nhận xét về những công tác nổi bật của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ vừa qua, Thượng tọa Thích Bửu Chánh, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, Phó Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho rằng, trước hết phải kể đến công tác giám sát Đảng và chính quyền về việc thực hiện các chính sách, đường lối mà các tổ chức này đã đề ra. Đồng thời giám sát cán bộ, các Đảng viên và trong việc này, Mặt trận đã chủ động, tích cực hơn các nhiệm kỳ trước.

Mặt trận đã chủ động, trực tiếp tiếp xúc với dân, chuyển ngay nguyện vọng, đề xuất của dân đến các cơ quan chính quyền, tới Đảng và Nhà nước. Đây là một điểm mà Mặt trận đã làm được khá tốt.

 

anh_tt_lnak.jpgThượng tọa Thích Bửu Chánh (ảnh: Thanh Hà)

Thượng tọa Thích Bửu Chánh cho biết, khi ông nghiên cứu tài liệu, nhất là trong Hiến pháp 2013, đã thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, Điều 9 Hiến pháp 2013 đã bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc “tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp cũng tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Như vậy vai trò của Mặt trận đã được khẳng định rõ hơn, chứ không phải Mặt trận là “bù nhìn”,  cơ cấu cho đủ thành phần”.

Người dân sẽ có niềm tin thì sẽ ủng hộ Đảng, Nhà nước

PV: Thưa Thượng tọa, việc Bộ Chính trị ban hành“Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” đã tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho Mặt trận trong việc đẩy mạnh công tác này?

Thượng tọa Thích Bửu Chánh: Theo tôi đây là một cơ sở pháp lý để cho các thành viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành, phường, xã có đủ thẩm quyền, đủ thử thách và đủ thẩm quyền để tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Tôi thấy từ khi thực hiện quy chế này, công tác giám sát, phản biện thực sự có hiệu quả, điều rõ ràng nhất là những người ở các bộ máy chính quyền, trong tổ chức Đảng đã thay đổi cách làm việc. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Và ngược lại, khi đó người dân sẽ có niềm tin và họ sẽ ủng hộ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, làm cho chế độ của chúng ta ngày càng vững mạnh hơn.

PV: Xin Thượng tọa cho biết, việc áp dụng quy chế về giám sát, phản biện xã hội ở tỉnh Đồng Nai đã thực hiện như thế nào khi mà trong bối cảnh việc giám sát, phản biện ở một số cấp ủy hiện nay không dễ?

Thượng tọa Thích Bửu Chánh:Ở tỉnh Đồng Nai, nhờ quy chế này mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng như Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ động được và thông báo kịp thời cho các thành viên cũng như khuyến khích các thành viên trong Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện việc giám sát, phản biện đối với địa bàn mình cư trú, để kịp thời phản ánh lại với mặt trận cấp trên, từ đó mặt trận có ý kiến tác động ngược lại với Đảng, chính quyền. Đồng Nai đang thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội khá hiệu quả.

Thuyết phục người dân đừng nặng về nhiệm vụ chính quyền

PV: Xin Thượng tọa, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Mặt trận là tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thượng tọa đánh giá như thế nào về việc thực hiện vai trò này của MTTQ trong thời gian vừa qua?

Thượng tọa Thích Bửu Chánh:Trong nhiệm kỳ vừa qua, mặt trận đã thực hiện khá tốt vai trò này. Có những việc chính quyền không thực tiếp thảo luận với dân được thì Mặt trận đã đàm phán được với dân.

Toàn cảnh Đại hội (ảnh: Thanh Hà) 
Hiện nay, các thành phần của Mặt trận có đủ các tầng lớp, trí thức, tôn giáo, doanh nghiệp, các đoàn thể…, đặc biệt là phát huy vai trò của những người ngoài Đảng, những cá nhân tiêu biểu không nặng về chính quyền mà quan tâm đến quần chúng nhân dân, nên có sức thuyết phục cao. Những người không nặng về nhiệm vụ chính quyền, khi họ thuyết phục thì dân dễ nghe và tin tưởng hơn.

Trong nhiệm kỳ này, Mặt trận cũng mở rộng thành phần tôn giáo, các vị chức sắc các tôn giáo được tham gia mặt trận, họ là đại diện cho các tín đồ tôn giáo nên họ dễ dàng thuyết phục được các tín đồ. Tại Đại hội lần này, đồng bào tôn giáo chúng tôi rất phấn khởi, hoan hỷ và đặt nhiều kỳ vọng vào công tác mặt trận sẽ có những đổi mới trong thời gian tới.

PV: Với vai trò là Ủy viên MTTQ tỉnh, vừa là chức sắc tôn giáo, Thượng tọa thấy trách nhiệm của mình như thế nào trong việc gắn kết các tôn giáo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Thượng tọa Thích Bửu Chánh:Rất may là ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo, chứ ở các nước khác, xung đột tôn giáo rất lớn. Với tư cách là một thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tôi thấy rõ trách nhiệm của mình là phải đóng góp cho sự ổn định và phát triển của xã hội nói chung, của tôn giáo nói riêng, theo đúng phương châm của Phật giáo là “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa Xã hội” và theo tinh thần của Thiên chúa giáo là Sống tốt đời đẹp đạo.

Theo tôi, trong thành phần của Đại hội có các vị chức sắc tôn giáo, trong đó có tôi đã góp phần vào việc giải thích, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi cũng đã phát hiện và tuyên truyền kịp thời ở những nơi mất ổn định, dù chỉ là thiểu số để phản ánh lên Mặt trận, các cơ quan của Đảng, Nhà nước để can thiệp kịp thời.

Chúng tôi cũng rất mừng là cùng với việc ban hành Hiến pháp 2013, có rất nhiều Bộ luật được ban hành để người dân chúng tôi, không kể tôn giáo nào cũng phải tuân theo những quy định của pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Thượng tọa./.