Lượng mưa trong mùa mưa năm 2012 trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia –Thu Bồn (Quảng Nam) chỉ đạt 40% lượng mưa trung bình nhiều năm. Mặt khác, Thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước về hạ lưu càng làm cho hạ du sông Vu Gia thiếu nước nghiêm trọng.
Hiện, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa chỉ đạt hơn 2,2 m, thấp kỷ lục từ 40 năm trở lại đây. Vùng hạ lưu sông Vu Gia hiện thiếu nước rất nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân các các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước về hạ lưu càng làm cho hạ du sông Vu Gia thiếu nước nghiêm trọng (Ảnh: Thanh niên) |
Từ cuối tháng 12/2012, nước sông Cầu Đỏ ở Đà Nẵng bị nhiễm mặn dài ngày, Công ty cấp nước Đà Nẵng phải lấy nước từ trạm bơm dự phòng An Trạch cách trạm bơm cầu Đỏ 8km cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Trong các đối tượng sử dụng nước, ưu tiên số 1 vẫn là nước sinh hoạt, tiếp theo là sản xuất nông nghiệp, rồi đến sản xuất khác. Thủy điện Đăk Mi 4 phải trả nước về trong thời gian căng thẳng là 25 m3/s”.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra gay gắt ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Trị. Tại huyện miền núi Hướng Hóa, do khan hiếm nguồn nước, người dân uống nước nhiễm bẩn, đã mắc bệnh đường ruột.
Ngành y tế phải cấp hàng ngàn viên thuốc và hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước bẩn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng đã phải dùng xe bồn để chở nước cấp cho người dân ở các xã vùng sâu vùng xa bị thiếu nước.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, các địa phương tập trung triển khai một số biện pháp cấp bách khắc phục hạn hán. Ông Phan Văn Giải, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nêu biện pháp:Các địa bàn phải dùng tiết kiệm nước, xây dựng các Trạm bơm điện. Đặc biệt các hệ thống kênh mương phải tu tạo, nơi nào có điều kiện phải bê tông hóa để tiết kiệm nước, đảm bảo nước tưới trước mắt cũng như lâu dài.
Tình trạng thiếu nước kéo dài mấy tháng nay trên địa bàn tỉnh Bình Định với hơn 10.000 hộ dân đang khát nước sinh hoạt. Đối với những hộ ở quá xa nguồn nước hoặc không có nguồn nước sẽ được hỗ trợ 20 lít nước/người mỗi ngày.
Những nơi có mạch nước ngầm, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí khoan, đào giếng. Vụ hè thu sắp tới trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 6.500 héc ta trồng lúa thiếu nước. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, dự kiến chuyển 6.500 héc ta trồng lúa sang cây trồng cạn. Thứ hai là phải tiết kiệm nước tối đa, thực hiện nạo vét kênh mương, chống thất thoát nước, tiết kiệm đến mức tối đa để đảm bảo nước vụ hè thu. Thứ 3 là đề ra một số chính sách hỗ trợ nhân dân đào giếng, đóng giếng, khai thác nước ngầm”
Mặt khác, người dân miền Trung cũng yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện cung cấp nước chống hạn, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô./.