Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch này xuất hiện từ tháng 2 với hàng trăm con trâu, bò mắc bệnh. Chính quyền địa phương và lực lượng thú y khẩn trương khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan.

Từ cuối tháng 3 đến nay, gia đình ông Phạm Ngọc Sen ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn đứng ngồi không yên khi đàn bò hơn 1 năm tuổi đang khỏe mạnh, bỗng dưng trên da xuất hiện nhiều cục nhỏ, sau đó lớn dần. Những con bò bị bệnh được ông nhốt riêng, cách xa chuồng trại.

“Bò của gia đình nổi cục, bỏ ăn, tôi phải nấu cháo cho nó ăn vì sợ nó sút cân. Tôi cùng phun thuốc đầy đủ, vệ sinh chuồng trại phòng bệnh”, ông Sen cho biết.

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từ cuối tháng 2 đến nay. Xã Bình Long là địa phương đầu tiên xảy ra dịch bệnh này sau đó lan nhanh ra các nơi khác. Đến nay, hơn 280 con bò bị mắc bệnh, 12 con đã chết. Khó khăn nhất hiện nay là chưa có thuốc đặc trị và thiếu vắc xin tiêm phòng nên công tác dập dich gặp nhiều lúng túng.

Ông Phạm Đình Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, xã đã tổ chức cho lực lượng cán bộ thú y, nhân dân địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng và hướng dẫn cho nhân dân biết cách chăm sóc, nhất là vệ sinh chuồng trại.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan chủ yếu do việc mua bán, vận chuyển gia súc giữa các địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, cách ly điều trị, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… Ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Hiện Bộ NN&PTNT đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp 6 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, đáp ứng đủ nhu cầu  phòng dịch của các địa phương.

“Cục Thú y đã tham mưu Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch bện để quyết định sử dụng vaccine phòng dịch khẩn cấp. Các loại vaccine khác hiện nay cũng đang được tổ chức đánh giá theo đúng qui định, trước khi Bộ quyết định sử dụng để chống dịch khẩn cấp”, ông Long cho hay./.