Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam. Ở các cấp học từ cơ sở đến trung học phổ thông, việc tổ chức chào cờ và hát Quốc ca được duy trì thường xuyên trang trọng. Khi cất lên lời ca, các em sẽ tưởng nhớ và biết ơn tới những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng hiểu và làm đúng nghi thức trang trọng của buổi lễ này.

chao-co-2.jpg
Chào cờ đầu tuần và hát Quốc ca ở các trường học là một nghi thức quan trọng (Ảnh minh họa)

Hiện, một số trường, cơ sở giáo dục không tổ chức hát Quốc ca mà chỉ cho nghe bài hát Quốc ca từ băng, đĩa; một số trường chỉ cử một lớp hát đại diện, các lớp khác đứng trang nghiêm làm lễ nhưng không hát... Cách làm này đã làm giảm đi một phần tính trang nghiêm và ý nghĩa của buổi lễ chào cờ, thậm chí lâu dần học sinhquên mất lời bài hát.

Một học sinh ở trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Em không hát Quốc ca trong giờ lễ chào cờ. Vì trường em thường mở nhạc có lời bài hát sẵn, chúng em chỉ đứng im Chào cờ, không phải hát”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, sở dĩ có tình trạng này là do một số trường chưa coi trọng tổ chức lễ chào cờ và hát Quốc ca theo đúng nghi thức. Nếu làm thì chỉ cho có hình thức, qua quýt. Việc học sinh chào cờ, hát Quốc ca là một yêu cầu tối thiểu trong nhà trường và cần phải được duy trì nề nếp.

Để làm được điều này, bên cạnh việc nhắc nhở các em tự giác thì bản thân các thầy cô giáo phải làm gương. Các trường tăng cường lồng ghép tuyên truyền, đưa bài hát Quốc ca vào các giờ dạy âm nhạc, môn Giáo dục công dân và giờ sinh hoạt giữa các chi đội để làm sao cho học sinh hiểu được ý nghĩa của việc chào cờ và hát Quốc ca. Khi đó việc hát Quốc ca của các em trong giờ chào cờ không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào thiêng liêng của người dân một nước độc lập, có chủ quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm: “Trong giáo dục đòi hỏi phải làm cho thực sự nề nếp để biến thành thói quen và trở thành ý thức thường trực. Chúng ta phải tạo niềm tự hào cho học thì mới giải quyết được. Ý thức thường trực của các em là phải tự hát, trong khi học sinh thường lơ là thấy các bạn hát rồi nhạc to lên rồi không ai để ý nữa. Để khắc phục điều này, các trường phải có lực lượng giám thị, giáo viên chủ nhiệm, trực tuần luôn luôn quan sát học sinh, thấy chỗ nào ý thức kém thì phải nhắc nhở ngay”.

Để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nề nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn yêu cầu các nhà trường, cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm túc việc chào cờ và hát Quốc ca. Đặc biệt đối với các trường Mầm non, Sở khuyến khích các đơn vị dạy hát Quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Thứ nhất là đối với các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở thì việc kiểm tra, chúng tôi giao cho các phòng Giáo dục và đào tạo. Thứ hai là văn bản của Sở hướng dẫn các trường học từ nay triển khai nội dung này và các phòng Giáo dục đào tạo của Sở, các phòng chuyên môn của Sở chỉ đạo các đơn vị trường học xuống tới cơ sở đều có nhắc nhở tới các nhà trường. Chúng ta đang muốn giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc một cách đúng đắn nhất thì trước hết mỗi giáo viên, mỗi học sinh phải thuộc, phải hiểu và phải biết trình bày Quốc ca của mình bằng một hình thức trang trọng nhất”.

Lòng yêu nước được rèn luyện từ nhiều thứ nhưng có một điều tối thiểu mà mọi người đều phải làm là việc thuộc và hát Quốc ca trong những buổi lễ chào cờ. Để làm được điều này, các trường học cần phải làm thường xuyên, liên tục và với một nghi thức trang trọng./.