Những ngày qua, cảm động trước hình ảnh y, bác sĩ mồ hôi đầm đìa khi mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch COVID-19 và làm việc dưới trời nắng nóng hơn 40 độ C, Nguyễn Đức Đại Phát, 12 tuổi ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã sáng chế ra những chiếc quạt mini để làm mát cho “các chiến sĩ áo trắng”. Món quá này gửi đến vùng tâm dịch Bắc Giang đã giúp giảm tác động của nắng nóng cho nhân viên y tế và góp phần cổ vũ, tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trong căn nhà nhỏ ở làng quê thanh bình, Nguyễn Đức Đại Phát được bố mẹ dành cho gần hết diện tích phòng khách để tìm tòi, khám phá, thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Mới đây nhất là sáng chế ra những chiếc quạt mini chống nóng cho các y, bác sĩ vùng tâm dịch Bắc Giang.
“Cháu nhìn thấy những hình ảnh y, bác sĩ ướt đẫm mồ hôi trong chiếc áo bảo hộ nên đã nghĩ ra ý tưởng làm chiếc quạt để quạt mát cho các bác cô các chú đang làm nhiệm vụ ở vùng dịch…”, Phát nói.
Ngồi hàng giờ trên chiếc bàn lớn hoặc lọ mọ dưới sàn nhà trước một đống nguyên liệu để cắt, hàn, lắp, ráp các thiết bị, Phát đã tạm hài lòng với những sản phẩm đầu tiên.
“Cháu đã mày mò trong 3 ngày để làm ra chiếc quạt mini này. Nguyên lý của nó giống như chiếc quạt gió giảm nhiệt cho máy tính. Vì nó được đeo vào người và ở bên trong bộ quần áo bảo hộ nên cả 2 mặt của quạt cháu đều làm những khung chắn để không hút vải quần áo vào… ”, Phát chia sẻ.
Ý tưởng về những chiếc quạt mini của Phát được bố mẹ ủng hộ. Chị Lô Thị Nếp chi tiền mua nguyên vật liệu, còn anh Nguyễn Đức Văn đưa con đi hàng chục cây số đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang để thực hiện nghĩa cử hỗ trợ vùng tâm dịch.
“Thấy con nói thương và muốn làm mát cho các bác, các cô chú đang làm nhiệm vụ chống dịch, tôi ủng hộ con ngay, tất tả đi mua những vật liệu mà cháu đã ghi ra giấy… Con nói rằng bây giờ đã làm xong bố giúp con đem tặng cho các y, bác sĩ được không? Tôi đồng ý ngay và 2 bố con lên đường. Rất vui vì con có tấm lòng biết chia sẻ với cộng đồng”, anh Văn - bố của Phát cho biết.
Ngày 31/5 vừa qua, 10 chiếc quạt mini đầu tiên do Phát làm ra đã đến được với những người ở tuyến đầu chống dịch. Tiếp nhận món quà này trong ngày nắng như đổ lửa, bác sĩ Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là điều bất ngờ nhất vì khi đó Trung tâm đang loay hoay tìm biện pháp giảm nhiệt cho nhân viên y tế khi phải mặc những bộ quần áo bảo hộ kín mít.
"Rất thú vị và cảm động khi thấy 2 bố con cháu Phát đến hỗ trợ y, bác sĩ vùng dịch. Tôi không nghĩ một cháu bé có thể làm được điều này. Cháu tặng quạt và pin dự phòng và cả sạc pin. Cháu nói rằng đây là những sản phẩm đầu tiên, các bác, các cô, chú góp ý kiến để cháu hoàn thiện và tiếp tục hỗ trợ, gửi đến vùng dịch… ”, BS Lê Tiến Dũng cho biết.
Không dừng lại ở thành công ban đầu, Nguyễn Đức Đại Phát đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến chiếc quạt mini có thể chạy lâu hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho nhân viên y tế không bị kiệt sức, ngất xỉu khi phải làm việc trong thời tiết nắng nóng.
“Chiếc quạt này chạy liên tục được 2 tiếng đồng hồ với 3 chiếc pin. Cháu đang tìm tòi để quạt có thể chạy được lâu hơn và dự định mỗi đợt sẽ làm thêm 30-40 chiếc. Hiện giá trị của một chiếc quạt, kèm theo pin và sạc là gần 300.000 đồng”, Phát cho biết.
Với niềm đam mê nghiên cứu, Nguyễn Đức Đại Phát từng phá được mật khẩu điện thoại iphone, thử nghiệm cùng bố làm ra máy thở ô xy không xâm nhập và đang nung nấu nghiên cứu làm ra điện từ gió phục vụ cho gia đình và xưởng cơ khí của bố. Gia đình, hàng xóm và thầy cô giáo không ngạc nhiên trước những ý tưởng sáng tạo của một học sinh lớp 6 vì Phát đã dành nhiều thời gian tự học lập trình, thiết kế đồ họa trên máy tính.
“Ngày còn bé, thấy cháu hay tháo những đồ điện tử ra để nghiên cứu, tôi hay mắng cháu, nhưng khi tôi bị ốm cháu làm ra dụng cụ massage và phá được khóa iphone khi tôi quên mật khẩu thì tôi đã tin vào niềm đam mê của con”, bố của Phát nói.
Được biết, năm học lớp 3, Phát đã làm được máy đánh trứng, sau đó làm thuyền điều khiển từ xa và quạt hơi nước…
Cậu bé Nguyễn Đức Đại Phát thông minh, nhiều ý tưởng sáng tạo và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Tuy mới 12 tuổi, nhưng Phát đã đồng cảm và biết chia sẻ trước những khó khăn, vất vả của các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch, đã và đang lan tỏa trong cộng đồng nghĩa cử chung tay vì cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nước ta./.